Xác định thạch đen là cây mũi nhọn đem lại giá trị kinh tế cao cho địa phương, UBND huyện Tràng Định (Lạng Sơn) đã quyết định sẽ tập trung mở rộng sản xuất, trên cơ sở đó đưa các sản phẩm từ cây thạch đen vào chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

"Làm thuê" cho thương lái

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ - đã trao quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với cây thạch đen của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho Hội Sản xuất và Kinh doanh thạch đen Tràng Định.

Ông Lý Văn Lâm - Chủ tịch UBND huyện Tràng Định - cho biết, thạch đen vẫn thường được người dân địa phương gọi vui là “cây trăm tỷ” vì nó mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều xã trước đây thuộc vùng xóa đói giảm nghèo như xã Kim Đồng, không ít hộ dân đã vươn lên làm giàu, xây được nhà khang trang, kinh tế gia đình phát triển.

Nông dân Tràng Định thu hoạch cây thạch đen. Ảnh: Châu Long
Nông dân Tràng Định thu hoạch cây thạch đen. Ảnh: Châu Long

Hiện nay, diện tích trồng cây thạch đen hằng năm của huyện ổn định từ 1.000ha đến 1.500ha trên tất cả 23 xã, thị trấn. Ông Lâm cho biết, sẽ phấn đấu mỗi năm phát triển từ 1.500-2.000ha thạch đen, sản lượng đạt từ 6 tấn/ha nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu: “Hy vọng qua các nghiên cứu khoa học, tiếp cận thị trường, các sản phẩm từ cây thạch đen sớm vào được các siêu thị và trở thành một chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng”.

Hội Sản xuất và Kinh doanh thạch đen huyện Tràng Định với 21 thành viên và 10 tổ chức cơ sở trực thuộc tại các xã, tổng hội viên là 400 người đang quản lý nhãn hiệu tập thể thạch đen Tràng Định nhằm bảo vệ những người sản xuất, kinh doanh và quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trồng thạch đen là một nghề truyền thống của Tràng Định, nhưng bà con chỉ biết trồng, chăm sóc và bán cho thương lái dưới dạng nguyên liệu thô, giá trị của sản phẩm rất thấp. Do vậy, cần có sự phối hợp của các phòng chuyên môn và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng, chăm sóc, tiêu thụ thạch đen, tạo nên một chuỗi giá trị liên kết.

“Việc gắn các sản phẩm từ cây thạch với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ khi ra thị trường là một giải pháp góp phần nâng cao giá trị. Lúc đó sản phẩm mới mang lại giá trị cao nhất” - ông Sơn đưa ra lời khuyên.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn - cho rằng, để nhãn hiệu tập thể được quản lý và phát triển hiệu quả, Hội Sản xuất và Kinh doanh Thạch đen Tràng Định nên quán triệt các hội viên thực hiện tốt quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể nhằm đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; nghiên cứu, áp dụng các biện pháp quản lý, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu tập thể để giữ gìn uy tín, danh tiếng cho sản phẩm.


Sớm hình thành vùng sản xuất tập trung

Ông Từ Trọng Hiếu - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh thạch đen Tràng Định - cho biết, hiện bà con trồng thạch đen gặp khá nhiều khó khăn như chưa áp dụng được các biện pháp chăm sóc cơ giới hóa ở đất nương rẫy. Cây thạch đen chứa nhiều nước, thân lá mềm nên thường gặp một số loại sâu ăn lá, bọ cánh cứng, bệnh xoăn lá, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Nhiều vùng sản xuất chưa có đường cho ôtô vận chuyển.

Ông Hiếu mong muốn sớm có những nghiên cứu toàn diện về quy trình canh tác, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, trong đó chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh hại gắn với sản xuất sản phẩm an toàn.

Trước thực tế trên, ông Lâm đề nghị Hội Sản xuất và Kinh doanh thạch đen Tràng Định và các hộ nông dân trồng thạch tiến hành quy hoạch hợp lý vùng sản xuất thạch đen phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, hình thành vùng sản xuất tập trung.

“Hướng dẫn người sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nhằm tạo ra nhiều sản phẩm từ cây thạch đen, hạn chế thấp nhất việc bán và tiêu thụ sản phẩm thô. Kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp liên kết đầu tư, nhất là trong khâu bảo quản và tiêu thụ sản phẩm” - ông Lâm nói.