Để có được sản phẩm gạo nàng Nhen thơm Bảy Núi có chất lượng và danh tiếng như ngày hôm nay, ông cha ta đã phải tốn vô vàn mồ hôi, nước mắt nhằm nghiên cứu, tuyển chọn và phục tráng sản phẩm quý này.

Lịch sử của các giống lúa cổ truyền bản địa ở An Giang, trong đó có lúa Nàng Nhen Thơm Bảy Núi sau ngày thống nhất đất nước gắn liền với hai thời kì: Thời kì cuối những năm 70, đầu những năm 80 và thời kì những năm cuối thập niên 80 cho đến nay.

Trước năm 1975, vùng Bảy Núi trồng gần 7.000 ha lúa Nàng Nhen Thơm. Tuy nhiên, vào thập niên 70,80 khi lương thực khó khăn, các giống lúa cổ truyền bản địa tuy ngon nhưng năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài ngày, và nhất là lệ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên như thời vụ gieo trồng, tập quán canh tác đã bị thu hẹp dần bởi các giống lúa cao sản.

Gạo nàng Nhen thơm. Ảnh:Angiang.
Gạo nàng Nhen thơm. Ảnh: Angiang.

Vào những năm cuối thập niên 80 cho đến nay, khi an ninh lương thực được đảm bảo, thị trường lúa gạo đòi hỏi gắt gao cả về phẩm chất và chất lượng. Lúa Nàng Nhen Thơm Bảy Núi với đặc tính gạo ngon cơm, mùi thơm nhẹ (không những thơm từ khi lúa trổ đòng mà còn thơm từ khi là ruộng mạ), hạt nhỏ hơi hồng, cơm không quá dẻo như các loại gạo Jasmine hay Khao Dak Mali đã được người tiêu dùng đón nhận.

Năm 1985, giống lúa Nàng Nhen Thơm Bảy Núi được tỉnh An Giang đưa vào các đợt điều tra nghiên cứu, tuyển chọn và phục tráng giống cho đến nay. Ngoài ra, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng tiến hành phục tráng giống và bảo tồn gen giống lúa nổi tiếng này.

Gạo Nàng Nhen Thơm là một sản phẩm gắn liền từ hàng trăm nay nay với người dân Khmer vùng Bảy Núi, là lương thực chính của người dân, được người dân gìn giữ như báu vật.

Theo thời gian, hương thơm nhẹ và vị ngọt dịu của gạo Nàng Nhen Thơm Bảy núi đã từng bước được người dân biết đến, bắt đầu từ những du khách đến tham gia các lễ hội, sau đó trở thành sản phẩm được thương mại chính thức trên thị trường, gắn liền với từ Bẩy Núi. Ngày nay, gạo nàng Nhen thơm Bẩy núi đã trở thành một đặc sản của vùng đất này.