Sở KH&CN An Giang đã hỗ trợ thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống rau” do ông Lưu Văn Nhanh - Cơ sở ươm cây giống rau Út Nay thực hiện.
Tổ chức tham gia phối hợp thực hiện là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang. Dự án được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2016, kinh phí hỗ trợ dự án từ nguồn sự nghiệp KH&CN và kinh phí đối ứng tham gia dự án từ Cơ sở ươm cây giống rau Út Nay.
Vừa qua, Sở KH&CN đã tổ chức nghiệm thu dự án, tại Cơ sở ươm cây giống rau Út Nay (Thị xã Tân Châu) với thành phần tham dự là ông Tầng Phú An - Phó Giám đốc Sở KH&CN - chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện Khoa Nông nghiệp & TNTN - ĐHAG , Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Khuyến nông An Giang, Trường cao đẳng nghề An Giang, UBND thị xã Tân Châu…
Mục tiêu chung của dự án ứng dụng KH&CN (hay công nghệ tiên tiến) vào ươm cây giống rau nhằm cung cấp cây giống tốt đạt tiểu chuẩn, kiểm soát được sâu bệnh, độ đồng đều cao, sản xuất số lượng lớn theo đơn đặt hàng, đảm bảo giao cây giống đúng hạn và giá thành rẻ, chấp nhận được để cạnh tranh.
Kết quả thực hiện dự án, Cơ sở đã đầu tư xây dựng một nhà màng kiểu hở một bên với diện tích 4.000 m2, sử dụng màng phủ hiệu Sun SelectorTM do Ginegar Plastics Products Ltd (Israel) sản xuất và được phân phối tại Việt Nam. Tăng công suất gieo ươm cây giống lên 100% (vì vô giá thể và gieo hạt bằng máy), giảm 30- 50% công lao động. Chủ động sản xuất cây giống quanh năm với số lượng 5 triệu cây/năm (hệ thống tưới phun tự động, quạt thông gió, khai xốp). Giảm hao hụt cây con từ 10% xuống còn 3% tại khâu gieo ươm. Hạ giá thành sản xuất giống do cơ giới hóa, tự động hóa (đầu tư máy gieo hạt, máy đóng bầu đất) và nhà màng làm giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật 70%.
Về hiệu quả xã hội, dự án giúp tăng chất lượng và số lượng cây giống cung cấp cho thị trường, đảm bảo cho nông dân trồng rau trong khu vực và các huyện lân cân cận có nguồn giống đầy đủ và đảm bảo chất lượng. Hiệu quả môi trường của dự án là khả năng hạn chế tác hại của sâu bệnh sau khi thực hiện dự án giúp cơ sở giảm một lượng lớn thuốc hoá học phòng trừ sâu, bệnh cho cây giống. Việc này có tác động tích cực đến việc giảm ô nhiễm môi trường do hoá chất phục vụ nông nghiệp. Qua hiệu quả đạt được của dự án nêu trên trong sản xuất và kinh doanh, cho thấy khả năng duy trì và nhân rộng kết quả của dự án là rất khả thi.
Các thành viên hội đồng đều thống nhất nghiệm thu dự án này với yêu cầu của Hội đồng là đơn vị thực hiện phải chỉnh sửa hoàn chỉnh báo cáo dự án theo góp ý của Hội đồng và gửi lại Sở KH&CN trong vòng 1 tháng.
Theo Sở KH&CN An Giang