Dù trở thành tâm dịch đúng vụ vải thiều năm nay nhưng Bắc Giang đã có một vụ mùa vải thiều được đánh giá là có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm trở lại đây.
Dịch COVID-19 bùng phát ngay trước thời điểm thu hoạch vải thiều ở Bắc Giang đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ vải thiều tại vùng trồng vải lớn nhất cả nước.
Song, nhờ việc đã chuẩn bị kỹ lưỡng
các kịch bản tiêu thụ vải trong bối cảnh dịch bệnh, chủ động kết nối với các hệ thống phân phối bán lẻ, các tập đoàn, siêu thị lớn, chợ đầu mối, sàn giao dịch thương mại trong và ngoài nước ngay từ đầu vụ, Bắc Giang đã có “một mùa vụ thành công trên mọi phương diện”.
Trong báo cáo tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh năm nay đạt 215.852 tấn - tăng hơn 50.000 tấn, tương đương tăng 30,82% sản lượng so với năm 2020. Mức tiêu thụ này cũng cao hơn 68,000 tấn so với năm 2019 (tổng sản lượng vải tiêu thụ năm 2019 là 147.030 tấn).
Trong đó, thị trường nội địa được quan tâm, mở rộng với tổng sản lượng tiêu thụ đạt 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng). Vải thiều được tiêu thụ khắp cả nước, những địa phương tiêu thụ nhiều nhất là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,...
Hầu hết các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống trên cả nước đều đã bày bán vải thiều Bắc Giang. Đặc biệt, năm nay cũng là năm vải thiều được bán trực tuyến trên các nền tảng online, sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (như Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmark, Alibaba…) với số lượng lớn nhất từ trước tới nay, đạt khoảng trên 6.000 tấn.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu vải thiều cũng được đánh giá là ổn định, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường truyền thống là Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông,…
Điều đáng mừng là mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá vải thiều vẫn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ với giá bán bình quân 19.800 đồng/kg. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, giá bán năm nay cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch.
Giá bán vải thiều xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động từ 30.000-55.000đ/kg. Trong đó, tại một số thị trường như Nhật Bản, EU (Pháp, Đức, Hà Lan…), vải có giá bán rất cao, khoảng từ 350.000-450.000đ/kg và tiêu thụ thuận lợi.
Nhờ vậy, tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ (tương đương với doanh thu năm 2020 là 6.830 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt 4.274 tỷ đồng. Doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.547 tỷ đồng. Năm 2019 - thời điểm trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19,tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt hơn6.300 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều đạt 4.675 tỷ đồng và doanh thu từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt 1.690 tỷ đồng.
Vải thiều Bắc Giang ngày càng được nhiều nước ưa chuộng sau khi được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn trở thành nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức
bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu vào các thị trường khó tính khác.