Sáng 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại gần 30 điểm cầu trong nước và quốc tế, trong đó 8 điểm cầu tại các nước là thị trường xuất khẩu chủ đạo.

Hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến này là một bước tiếp theo trong công tác thúc đẩy tiêu thụ vải thiều chu đáo mà tỉnh Bắc Giang đang tiến hành trong bối cảnh đây vẫn là một tâm dịch COVID-19. Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch bệnh, kết nối với các sàn giao dịch thương mại trong và ngoài nước, yêu cầu các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe khi vận chuyển vải thiều đi và đến Bắc Giang phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang trong việc lưu thông, tiêu thụ nông sản cũng như tạo điều kiện cho xe chở vải và nông sản Bắc Giang lưu thông thuận lợi.

Nhờ đó tiêu thụ vải thiều chín sớm vẫn diễn ra thuận lợi, sản lượng tiêu thụ đến ngày 6/6 đạt 50.000 tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu (trong đó, tiêu thụ trong nước trên 33.500 tấn, chiếm gần trên 67%; xuất khẩu gần 16.400 tấn tại Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, chiếm gần 33%). Năm 2021 cũng là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang vải thiều Bắc Giang được bán trên các sàn giao dịch điện tử thông qua Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương triển khai như: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Cuccu, A99, App Go!, Zalo.

Tại Hội nghị, tỉnh Bắc Giang cam kết tiếp tục hỗ trợ người trồng, doanh nghiệp thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến, tiêu thu vải thiều, chỉ đạo công tác hậu cần tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh: các điểm cân, mua, kho bãi, vận tải, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chứng kiến trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Nhật Bản cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. Nguồn ảnh: Báo Bắc Giang.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ công nghệ sấy, chế biến để quả vải thiều sau khi chế biến vẫn giữ được hương vị, màu sắc, chất lượng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng, mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều bảo đảm các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường tiềm năng; hỗ trợ tỉnh giám sát toàn bộ quá trình thu hoạch, xông hơi khử trùng, kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo các cục, vụ, Thương vụ của Việt Nam tại 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), tại Nhật Bản, Australia, Singapore và các nước trên thế giới hỗ trợ tỉnh kết nối, tiêu thụ vải thiều.

Đến nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang trở thành nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu vào các thị trường khó tính khác. Tại Hội nghị, tỉnh Bắc Giang cũng đã nhận được văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản.

Bắc Giang có vùng vải thiều tập trung lớn nhất cả nước. Doanh thu năm 2020 từ vải thiều đạt gần 7.000 tỷ đồng.