Người dân Hà Nội có smartphone được yêu cầu thực hiện đăng ký tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 qua phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử”.
Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội vừa thông báo thực hiện việc rà soát, đăng ký tiêm chủng với người dân sinh sống trên địa bàn thủ đô trong độ tuổi từ 18 - 65.
Theo đó, người dân được yêu cầu đăng ký tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 qua phần mềm Sổ sức khỏe điện tử.
Những người không sử dụng smartphone có thể thực hiện đăng ký bằng giấy và gửi về UBND xã, phường, thị trấn. UBND xã, phường, thị trấn sẽ thực hiện việc nhập thông tin từ bản đăng ký giấy lên phần mềm "Sổ sức khỏe điện tử".
Để thực hiện việc đăng ký tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 qua ứng dụng, người dân truy cập vào đường link
https://hssk.kcb.vn/#/sskdt và chọn ứng dụng tải về hoặc tìm tên "Sổ sức khỏe điện tử" trên các kho ứng dụng Google Play và Apple Store để cài đặt.
Khi hoàn thành việc cài đặt, người dùng thực hiện đăng ký tài khoản bằng cách chọn biểu tượng "Đăng ký" và nhập các thông tin: họ và tên, số điện thoại, mật khẩu (nhập 2 lần mật khẩu giống nhau để đảm bảo tính xác thực) rồi chọn "Tiếp tục" để lưu thông tin đăng ký.
Sau đó, người dùng chọn biểu tượng "Đăng ký tiêm" và nhập các thông tin theo yêu cầu và nhấn vào chữ "Tiếp tục" để chuyển sang phần khai báo các thông tin cần thiết về sức khỏe.
Khai báo lịch sử tiêm chủng
Ở giao diện "Tiền sử tiêm", điền các thông tin theo yêu cầu và chọn tiếp tục để chuyển sang giao diện của "Phiếu đồng ý".
Sau khi đọc đầy đủ các thông tin trong “Phiếu đồng ý”, người dùng ký tích chọn vào ô đồng ý tiêm chủng và nhấn “Xác nhận”. Khi đó, màn hình hiển thị thông báo “Đăng ký thành công”.
Nếu muốn thay đổi đăng ký tiêm, người dùng truy cập vào phần "Cá nhân" và lựa chọn mục "Lịch sử đăng ký tiêm".
Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân giai đoạn 2021-2022 từ ngày 7/5 với mục tiêu 95% đối tượng nguy cơ và người dân được tiêm chủng đủ mũi vaccine phòng COVID-19 theo từng đợt phân bổ vaccine.
"Sổ sức khỏe điện tử" là ứng dụng để người dân kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Người dân sử dụng ứng dụng để quản lý thông tin sức khỏe của bản thân và chủ động trong việc phòng bệnh, chữa bệnh.
Bích Ngọc