Khác biệt đến từ chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL) chính là công cụ mạnh để phát triển thương hiệu cho sản vật Việt. CDĐL còn gắn với địa phương, câu chuyện văn hoá, lịch sử nên tính riêng có rất đặc trưng.

Chia sẻ này từ ông Trần Giang Khuê - Phụ trách Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) nhận được sự ủng hộ tại cuộc toạ đàm "Phát triển thương hiệu cho sản vật Việt: Cơ hội và thách thức" do Cục Công tác phía Nam và Báo Khoa học và Phát triển tổ chức tại TPHCM chiều 18/4.

Giới thiệu bộ dữ liệu đầy đủ nhất về sản vật Việt được bảo hộ sở hữu trí tuệ

Phó Tổng biên tập báo Khoa học và Phát triển Đỗ Lê Thăng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Mạnh Linh
Phó Tổng biên tập báo Khoa học và Phát triển Đỗ Lê Thăng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Mạnh Linh

Sản vật Việt vẫn là giá trị tiềm ẩn

Việt Nam có hàng nghìn đặc sản ngon - độc - lạ với chất lượng đặc thù, nhưng cho đến nay mới chỉ có 49 sản vật Việt được cấp CDĐL. "Thế giới đã có khoảng 50 nghìn CDĐL và đang mang lại cho các quốc gia sở hữu chúng hàng tỷ USD, bên cạnh những tác dụng tích cực đối với văn hoá, du lịch..." - ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT cung cấp thông tin trong phát biểu khai mạc.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Mạnh Linh
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Mạnh Linh

Khẳng định CDĐL có lợi thế lớn trong việc phát triển thành thương hiệu cho một ngành hàng nhưng việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với CDĐL đòi hỏi sự đầu tư lớn để chứng minh các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm chỉ có được nhờ các điều kiện địa lý của địa phương, với các bằng chứng khoa học, là điều mà không phải địa phương nào cũng sẵn sàng nguồn lực thực hiện.

“Thường mỗi CDĐL cần từ 2-3 năm để hoàn thiện hồ sơ mô tả sau khi làm các nghiên cứu, phân tích mẫu đất, các yếu tố khí hậu, địa hình, mẫu sản phẩm và tìm hiểu văn hóa, lịch sử, danh tiếng…” – ông Trần Giang Khuê cho biết.

Ông Trần Giang Khuê - Phụ trách Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Mạnh Linh
Ông Trần Giang Khuê - Phụ trách Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ.
Ảnh: Mạnh Linh

Đồng quan điểm này, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cũng nhấn mạnh: “Nếu ta nghĩ rằng đăng ký nhãn hiệu là để bảo hộ cái tên đó thì chưa đủ. Đằng sau đó là cả một chuỗi, đòi hỏi ta phải tiêu chuẩn hóa, đảm bảo 100% sản phẩm đưa ra giống nhau về chất lượng nội dung và hình thức”.

Hàng rào tiêu chuẩn, chất lượng không phải là... rào cản

Bên cạnh việc xác lập và bảo hộ quyền SHTT, để trở thành hàng hóa, sản vật buộc phải đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản lý chất lượng, các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh (đối với nhóm thực phẩm)… Đây có thể coi là các hàng rào kỹ thuật mà sản vật phải vượt qua để chiếm lĩnh thị trường, nhất là thị trường nước ngoài.

“Rào cản có thể trở thành cây cầu nếu ta kiểm soát tốt nó” - ông Hoàng Lâm - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (Quatest 3) nêu một cách tiếp cận mới.

ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh. Ảnh: Mạnh Linh
Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh. Ảnh: Mạnh Linh

Trao đổi với báo Khoa học và Phát triển, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh (doanh nghiệp chiếm 8% thị phần xuất khẩu hồ tiêu toàn thế giới với doanh thu năm 2016 là 300 triệu USD) đồng tình với quan điểm này: “Rào cản với ta cũng là rào cản với tất cả. Các nước dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng của họ nhưng họ rất cần hàng hóa chất lượng cao. Vượt qua rào cản, chúng ta sẽ được các bạn hàng chào đón rất nhiệt tình vì rào cản làm họ khan nguồn cung”.

Nói về bí quyết thành công đưa sản vật Việt ra thế giới, ông Phan Minh Thông tổng kết nhanh: Phải đi ra nước ngoài để biết nhu cầu thị trường, xây dựng nguồn cung ổn định và phải truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.