Cách kinh doanh theo lối “cổ truyền” của bà con cũng là một phần nguyên nhân.
Giá tăng 5 lần so với trước đây
Nổi tiếng là sản vật tiến vua từ đời Trần, chuối ngự của làng Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam) không chỉ ngon mà còn có hình thức rất bắt mắt. Quả chuối nhỏ xinh, vỏ và ruột đều vàng óng, vị ngọt thanh, hương thơm đặc biệt.
Bà Trần Thị Ngân - Chủ tịch Hội Sản xuất và Tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng - cho biết, giá chuối đến tay người tiêu dùng hiện khoảng 50.000 đồng/nải: “Hiện tôi chỉ trồng 2 sào chuối, nhưng nếu chăm bón tốt thì cũng có thu hoạch quanh năm”. Theo bà, trước đây giá chuối ngự Đại Hoàng chỉ khoảng 8.000-10.000 đồng/nải. Sau khi được bảo hộ CDĐL vào năm 2009, giá tăng mạnh, việc tiêu thụ thuận lợi, nhiều thời điểm cung không đủ cầu.
Bà Ngân chia sẻ thêm, một số người di cư lên Bắc Giang và nhiều nơi khác đem theo giống chuối này để trồng nhưng quả không thơm ngon như trồng trên đất Đại Hoàng. Ngay cả ở “quê gốc”, để sản phẩm có chất lượng tốt nhất, việc trồng chuối cũng cần tuân thủ quy trình kỹ thuật như khi cây bén rễ mới tưới phân, thường xuyên giữ độ ẩm, bón phân chuồng, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian trồng chuối tốt nhất là từ giữa đến cuối mùa xuân.
Ông Vũ Đức Huy - Trưởng phòng quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam - cho biết: “Để nhận dạng chuối ngự có CDĐL “Đại Hoàng”, mỗi nải chuối trước khi xuất đều được gắn tem. Chỉ sản phẩm đạt yêu cầu tiêu chuẩn đặc thù chất lượng mới được gắn tem CDĐL”.
Huyện Lý Nhân hiện có khoảng 100ha trồng chuối ngự với sản lượng 2.300 tấn/năm. Theo ông Huy, huyện đã xây dựng vùng tiềm năng trồng chuối ngự với 24 xóm thuộc 2 xã Hoà Hậu và Tiến Thắng. Địa phương đang thiết lập các kênh phân phối, quản lý thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn.
Cần quản lý tốt thương hiệu
Ông Huy cho biết, mặc dù đã có tem để nhận diện CDĐL “Đại Hoàng” nhưng vẫn có những hộ thành viên kinh doanh theo phương thức cũ, không nhận thức được giá trị của CDĐL nên không dán tem lên sản phẩm. Ngoài ra theo bà Trần Thị Ngân, tem dán trên sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng cũng bị làm giả và Hội Sản xuất và Tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng chưa có cách nào kiểm soát.
Ông Trần Xuân Liêu - người có khoảng 400 bụi chuối ngự ở thôn Đại Hoàng - phản ánh: “Thương hiệu chuối ngự Đại Hoàng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do những kẻ làm ăn không chân chính. Những người này dùng chuối ngự trồng ở nơi khác, thu hoạch khi còn non, nhúng vào thuốc kích chín rồi đưa ra thị trường. Điều này không những làm giảm chất lượng, danh tiếng của sản phẩm mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng”.
Theo ông, nếu đúng quy trình thì chuối chỉ được chặt khi đã già, quả không còn cạnh sắc, để héo 2-3 ngày rồi mới đưa vào lò giấm bằng trấu khoảng 2 ngày. Khi chín, chuối có mẫu mã đẹp, nải chuối hơi có đốm, ăn ngọt và thơm hơn chuối nhúng thuốc.
Ông Liêu cũng cho rằng, chuối ngự Đại Hoàng tuy đã có thương hiệu nhưng do chưa kiểm soát được thị trường nên nhiều khi vẫn bị thương lái trả giá thấp. Trước thực trạng này, ông Vũ Đức Huy nhận định: “Quản lý tốt thương hiệu chuối ngự Đại hoàng là trách nhiệm không chỉ của bà con mà còn là của nhiều đơn vị chức năng. Đây là đặc sản của tỉnh nên việc bảo vệ, phát triển thương hiệu phải được thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Vai trò quan trọng nhất thuộc về Hội Sản xuất và Tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng. Hội phải tận dụng cơ hội, khẳng định thương hiệu và khai thác tốt những giá trị mà CDĐL mang lại. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của bà con về vấn đề này. Một khi bà con hiểu rõ CDĐL có giá trị lớn về thương mại, họ sẽ thay đổi hành vi để bảo vệ nó”.