Hàng loạt giải pháp nhằm phát triển thương hiệu cho sản vật Việt Nam đã được các chuyên gia đề xuất tại buổi tọa đàm “Phát triển thương hiệu cho sản vật Việt - cơ hội và thách thức” do Cục Công tác phía Nam và Báo Khoa học và Phát triển tổ chức chiều 18/4 tại TPHCM.

Giải bài toán thương hiệu với tính khác biệt của sản vật

Tham dự tọa đàm có ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN), ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH&CN, ông Trần Giang Khuê - Phụ trách Văn phòng Cục SHTT tại TPHCM, ông Hoàng Lâm - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (Quates 3), ông Đỗ Lê Thăng - Phó Tổng biên tập Báo Khoa học và Phát triển cùng gần 50 đại biểu đến từ Sở KH&CN, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã… khu vực phía nam.

Nhiều thông tin hữu ích được các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Mạnh Linh

Việt Nam có hàng nghìn sản vật nổi tiếng ngon - độc - lạ ở khắp 3 miền đất nước. Tuy nhiên, đến nay mới có 49 sản vật được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) và gần 1.000 sản vật được bảo hộ ở dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Nhiều sản vật sau khi được cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT đã có bước tiến lớn về thương mại, trở thành hàng hóa có giá trị cao. Theo Trung tâm Phát triển Tài sản SHTT (Cục SHTT), cam Vinh, cam Cao Phong đã tăng 100% giá trị sau khi được cấp CDĐL. Chè Mộc Châu có bao bì mang CDĐL cũng được bán với giá cao hơn từ 1,7-2 lần các loại chè không có bao bì mang CDĐL. Tuy nhiên, không ít sản vật sau khi được cấp CDĐL lại có xu hướng bị khai thác cạn kiệt, chất lượng suy giảm, bị làm giả… dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, để hạn chế tình trạng này, trong thời gian tới, các tổ chức, cá nhân muốn đăng ký CDĐL cho sản vật phải tìm hiểu kỹ các quy định về SHTT. Trong khi đó, ông Hoàng Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề quản trị quy trình chất lượng trong việc đảm bảo giá trị bền vững cho sản vật.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT phát biểu khai mạc Tọa đàm
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Mạnh Linh

Sắp tới, nhằm góp phần quảng bá và nâng tầm giá trị hàng hóa, đặc biệt là sản vật Việt Nam, Cục SHTT sẽ phối hợp với Báo Khoa học và Phát triển phát hành ấn phẩm “Tinh hoa sản vật Việt”, phát hành vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

“Đến nay, chúng ta chưa thể tìm thấy một ấn phẩm nào tập hợp đầy đủ danh sách các sản vật được bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam với những thông tin chỉ dẫn hữu ích như mô tả điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên chất lượng đặc trưng của sản vật cũng như các dấu hiệu nhận biết, đặc tính và chất lượng của chúng. Ấn phẩm Tinh hoa sản vật Việt sẽ đóng vai trò công cụ truyền thông cho các sản vật được bảo hộ sở hữu trí tuệ nhờ nguồn dữ liệu phong phú gồm hàng nghìn trang nội dung từ Cục SHTT” - ông Đỗ Lê Thăng - Phó Tổng biên tập Báo Khoa học và Phát triển - cho biết.

Ông Phan Minh Thông (phải) - Tổng giám đốc công ty Phúc Sinh và ông Đỗ Lê Thăng - Phó Tổng biên tập báo Khoa học và Phát triển - ký thỏa thuận hợp tác tại sự kiện.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Báo Khoa học và Phát triển và Công ty Phúc Sinh đã ký thỏa thuận hợp tác thực hiện các chương trình truyền thông, kết nối nhằm thúc đẩy việc quảng bá sản vật Việt đến cộng đồng ở trong và ngoài nước.