Địa phương cũng đang có kế hoạch phát triển thương hiệu và mở rộng diện tích trồng đến 3,5 lần.
Giàu lên nhờ cây hồng
Hồng không hạt Quản Bạ xưa nay nức tiếng bởi vị ngọt đậm, giòn. Quả có vỏ cứng, thịt chắc, nhiều bột mịn. Loại cây này được trồng nhiều nhất ở hai xã Nghĩa Thuận, Thanh Vân, giúp nhiều hộ thoát nghèo, thậm chí tạo thêm việc làm. Chẳng hạn với 500 cây hồng, ông Cháng Thìn Lù ở xã Thanh Vân mỗi năm thu hoạch 4-5 tấn quả, tạo việc làm cho hơn 10 người vào mùa thu hái.
Ông Vương Trung Hùng - ở xã Nghĩa Thuận - kể: “Đầu những năm 1990, ai cũng nghĩ đất này chẳng trồng được gì ngoài lúa, ngô. Gia đình tôi lúc đó cực kỳ khó khăn. Tôi nghĩ hồng không hạt có thể giúp đổi đời nên quyết theo đuổi nó, đến nay đã có hơn 260 gốc. Giá hồng bình quân 35.000 đồng/kg. Thu nhập của gia đình tôi từ vườn hồng trung bình 130 triệu đồng/năm. Mấy năm gần đây, thấy vườn hồng của tôi đạt hiệu quả rất cao, nhiều người cũng tìm mua cây giống để trồng”.
Người dân xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ thu hoạch hồng không hạt. Ảnh: Hải Pha
Ông Hạng Dương Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện - cho biết để nâng năng suất, chất lượng hồng không hạt, địa phương đã triển khai đề tài nghiên cứu và xây dựng quy trình chăm sóc, đốn tỉa cành, bón phân hợp lý; lập vườn ươm giống tại thị trấn Tam Sơn. Hiện diện tích hồng không hạt trên toàn huyện là 92,08ha, sản lượng 560 tấn/năm.
“Năng suất gần đây tăng mạnh do số cây cho thu hoạch tăng sau mỗi năm. Có hộ thu trên 200 triệu đồng/năm. Đây là động lực để các hộ nằm trong vùng quy hoạch tham gia trồng mới, phát triển diện tích hồng, phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 320ha” - ông Thành nói.
Bị ép giá bởi chưa phát triển thương hiệu
Ông Hùng phản ánh, đến mùa thu hoạch, hồng tứ xứ đổ về “mạo danh” hồng không hạt Quản Bạ, dẫn đến tình trạng hàng thật bị ép giá. “Hồng Quản Bạ chuẩn không to, không đẹp, dùng dao gọt có cát bám lên lưỡi dao. Nếu ngâm đúng quy trình thì cuống không bao giờ bong ra, rốn quả không bị nứt” - ông Hùng cho biết.
Còn ông Cháng Thìn Lù chia sẻ: “Năm nay giá sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều do hồng ở dưới xuôi mang lên tự nhận là hồng Quản Bạ và bán phá giá. Khách hàng chưa phân biệt rõ nên hồng Quản Bạ bị mất uy tín. Tôi rất mong sớm có chỉ dẫn địa lý (CDĐL) để khắc phục tình trạng này”.
Tháng 7/2016, địa phương và Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thiện dự án xây dựng CDĐL “Quản Bạ” cho sản phẩm hồng không hạt. Cục Sở hữu Trí tuệ đã chấp nhận đơn đăng ký hợp lệ. “Khi có CDĐL, chúng tôi có thể quản lý, sử dụng tốt CDĐL; các tem nhãn sẽ giúp phân biệt hồng Quản Bạ với hồng nơi khác, người dân có thu nhập tốt hơn. Chúng tôi cũng có thể phát triển thương hiệu và mở rộng diện tích trồng” - ông Thành chia sẻ.
Hợp tác xã Hồng không hạt Quản Bạ đã được thành lập với mục tiêu mở rộng diện tích, đa dạng hóa sản phẩm (như sản xuất mứt). Dự kiến trong tháng 8/2017, địa phương sẽ đón giấy chứng nhận CDĐL “Quản Bạ” cho sản phẩm hồng không hạt và giao cho hợp tác xã trên quản lý. Chỉ sản phẩm của thành viên hợp tác xã mới được sử dụng lôgô CDĐL trên bao bì. Các thành viên cũng phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đã được chuẩn hóa.
Tiến sỹ Trịnh Văn Tuấn - Chủ nhiệm dự án xây dựng CDĐL cho hồng không hạt Quản Bạ - cho rằng, sau khi có CDĐL, địa phương cần phát triển bền vững đặc sản này về sản xuất và thị trường, từ đó nâng cao đời sống người sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Theo ông, Quản Bạ là địa danh nổi tiếng gắn liền với nét văn hóa đặc biệt của người Mông, có di tích, phong cảnh đẹp... và đây là điều kiện thuận lợi để làm tăng giá trị thương mại cho đặc sản hồng không hạt.