Lúa mì đang là một gợi ý triển vọng có thể trồng được vào mùa đông để tăng hệ số sử dụng đất và thu nhập cho nông dân những vùng này.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đa số hiện nay chỉ canh tác được một vụ lúa (hoặc ngô). Từ khoảng tháng 9 - 10 năm trước tới tháng 4 năm sau, do mùa đông quá lạnh, không có mưa nên đất đai hầu hết phải bỏ hoang. Lúa mì đang là một gợi ý triển vọng có thể trồng được vào mùa đông để tăng hệ số sử dụng đất và thu nhập cho nông dân những vùng này.
Không trồng được gì, có thể trồng lúa mì
Mù Cang Chải là huyện vùng cao điển hình của tỉnh Yên Bái. Cũng như hầu hết các địa phương vùng cao dọc dải biên giới phía Bắc, bà con người Mông ở Mù Cang Chải hầu hết chỉ có thể canh tác được một vụ ngô hoặc một vụ lúa nương tại các khu vực ruộng bậc thang có nước tưới trong khoảng từ tháng 4 tới tháng 9 hàng năm. Còn lại 6 - 7 tháng mùa đông kéo dài tới đầu xuân năm sau (từ tháng 10 năm trước khoảng cuối tháng 4 năm sau), đất phải bỏ hoang vì thời tiết quá lạnh.
Những năm trước, về Mù Cang Chải thời điểm này, những ngọn đồi vẫn bạc phếch đất trống, bởi bà con người Mông ở đây phải chờ tới khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi mùa mưa tới mới có nước cấy lúa nương.
Năm nay thì khác, một số diện tích ruộng bậc thang ở các xã như La Pán Tẩn, Púng Luông, Nậm Khắt…, những ruộng lúa mì đến kỳ thu hoạch ngả màu vàng ruộm. Lúa mì, loại cây còn rất lạ lẫm với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, nhưng đang hé mở cho họ một hướng đi sáng trong tương lai.
Ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, phấn khởi cho biết: Với tổng diện tích đất nông nghiệp toàn huyện khoảng 4.400ha, trước đây, hầu hết chỉ SX được một vụ ngô hoặc lúa. Những năm gần đây, dù huyện đã nỗ lực phát triển thêm SX lúa vụ ĐX, nhưng tổng diện tích đất nông nghiệp canh tác được 2 vụ/năm mới chỉ đạt khoảng 1.600ha.
Còn lại, khoảng 2/3 diện tích đất nông nghiệp chỉ SX được 1 vụ/năm. Do quãng thời gian bỏ hoang đất kéo dài tới 5 - 6 tháng nên trước đây, Mù Cang Chải cũng đã thử nghiệm đưa vào rất nhiều loại cây trồng trong mùa đông, tuy nhiên do đặc thù khí hậu vùng cao quá khô, lạnh và không có mưa trong mùa đông nên không cây trồng gì trụ được.
Được sự gợi ý của một doanh nghiệp, bắt đầu từ cuối năm 2015, UBND huyện đã thí điểm đưa cây lúa mì vào SX thử trên một số chân ruộng bậc thang 1 vụ lúa. Từ những kết quả bước đầu, vụ ĐX 2016 - 2017, huyện tiếp tục mở rộng diện tích, đưa lúa mì vào trồng thử hơn 20ha tại 2 xã La Pán Tẩn, Púng Luông, Nậm Khắt.
Kết quả cho thấy, cây lúa mì hoàn toàn có thể thích nghi rất tốt vào mùa đông tại đây. Hiện tại, sau hơn 4 tháng xuống giống, lúa mì đã cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt hơn 5 tấn/ha. Được biết, toàn bộ diện tích lúa mì trồng thử nghiệm tại đây đã được một DN tại Hà Nội đăng ký bao tiêu toàn bộ với giá 6.000 đ/kg. Như vậy theo tính toán, mỗi ha lúa mì trừ chi phí giống, phân bón có thể cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng, tương đương với một vụ lúa nương tại địa phương.
Tiềm năng rộng mở
PGS.TS Nguyễn Thế Hùng (Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), người rất tâm huyết với chiến lược phát triển cây lúa mì tại Việt Nam cho biết: Qua kiểm tra theo dõi tình hình SX thử lúa mì tại Mù Cang Chải trong 2 năm 2016 - 2017 cho thấy, lúa mì hoàn toàn có triển vọng phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong vụ đông.
|
PGS.TS Nguyễn Thế Hùng kiểm tra cánh đồng lúa mì tại huyện Mù Cang Chải |
Theoông Hùng, lúa mì đã từng được đưa vào trồng tại Việt Nam từ thời thuộc Pháp. Đến những năm bao cấp, một số giống lúa mì có nguồn gốc ôn đới thuộc các nước Liên Xô (cũ) cũng đã được nghiên cứu trồng tại nước ta. Tuy nhiên do những hạn chế về đặc tính giống cũng như công tác chọn tạo, khảo nghiệm, lúa mì trước đây từng được xem là không có lợi thế để trồng tại Việt Nam.
Tuy nhiên những năm gần đây, cùng với sự tiến bộ rất nhanh về nghiên cứu lúa mì, các nước (nhất là Ấn Độ, Trung Quốc…) đã cho ra đời những giống lúa mì có khả năng thích nghi rộng với các nước vùng nhiệt đới. Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ cũng chính là hai nước SX lúa mì lớn nhất thế giới, trong đó có những giống có thể thích nghi tốt ở nhiệt độ 25 - 35oC (nhiệt độ sinh trưởng phù hợp từ 20 - 25oC). Đây là khung nhiệt độ phù hợp với mùa đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta.
TS Hùng cho biết thêm, tại các tỉnh ven biên giới Việt Nam, hiện Trung Quốc cũng đã và đang tập trung phát triển rất tốt lúa mì, với năng suất có thể lên tới bình quân 7 - 8 tấn/ha ở các khu vực có đặc thù thời tiết, thổ nhưỡng tương đồng như các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam.
Vì vậy, không chỉ tại Mù Chang Chải mà rất nhiều vùng tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc hiện nay đều có thể phát triển tốt cây lúa mì vào mùa đông, nhất là các tỉnh biên giới như Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai…
“Trồng lúa mì khắt khe nhất là ở giai đoạn thu hoạch, trời phải khô ráo, độ ẩm không được cao để tránh bị nấm mốc. Hiện nay, quỹ đất bỏ hoang các tỉnh miền núi kéo dài tới 6 - 7 tháng, vì vậy chỉ cần xuống giống muộn một chút để thời điểm thu hoạch vào giai đoạn giữa tháng 4 hàng năm trở đi là sẽ rất ổn”, TS Hùng lưu ý.
ÔngNguyễn Văn Nhân, nguyên PGĐ Sở KH-CN tỉnh Cao Bằng, người từng có nhiều năm gắn bó với cây lúa mì tại Cao Bằng cho biết: Hiện mỗi năm nước ta phải NK trên 2 triệu tấn lúa mì để phục vụ cho các nhu cầu rất đa dạng như thực phẩm, bánh kẹo, thức ăn chăn nuôi… và nhu cầu đang ngày càng tăng chóng mặt, nhất là nhu thực phẩm bởi mì giảm nguy cơ tiểu đường hơn lúa gạo.Ngoài dư địa phục vụ cho thị trường trong nước, giải quyết quỹ đất nhàn rỗi, lúa mì còn có thể giải quyết rất tốt cho bài toán thức ăn chăn nuôi cho gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong mùa đông. Vì vậy, đây là cây trồng mà các tỉnh miền núi phía Bắc nên chú tâm phát triển, nhất là trong tái cơ cấu nông nghiệp, lấy chiến lược phát triển đại gia súc ở vùng này. Bởi ở các tỉnh miền núi hiện nay rất khó để tìm ra cây trồng nào có thể phát triển làm thức ăn xanh cho gia súc trong mùa đông tốt hơn lúa mì. |