Trong giai đoạn 2020-2025, TPHCM hướng tới triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và thực tiễn phát triển của thành phố.

Ngày 26/12, Sở KH&CN TPHCM tổ chức hội thảo “Ứng dụng KH&CN trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển KT – XH TPHCM”.

Ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, cho biết, thời gian qua hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của TPHCM đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của thành phố. Giai đoạn 2016-2022, thành phố đã đầu tư 13.657 tỷ đồng vào KH&CN chiếm hơn 2,55% ngân sách nhà nước. Nhờ đó, chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng mạnh, đạt trung bình 46,7%, với 74% đóng góp từ KH&CN. Năng suất lao động của TPHCM cao gấp 2 lần so với cả nước và năng suất lao động trong doanh nghiệp công nghệ cao vượt trội, gấp 1,67 lần so với mức chung của thành phố.

Theo ông Minh, TPHCM hiện mới chỉ xuất hiện đơn lẻ một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn, điển hình như Mô hình 3R (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế) và quỹ tái chế chất thải; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; Sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên;…

Ông Minh cho rằng, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển KT – XH, cần nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp, được xem là trung tâm thực hiện và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó chú trọng nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.

p
Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát triển KTTH tại Hội thảo. Ảnh: KA

Theo ông Minh, việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình, ưu tiên trước hết là xử lý chất thải nhựa, túi nilon, phải thực hiện và đưa vào kế hoạch 5 năm tới để giải quyết triệt để, giảm thiểu phát thải ra môi trường. Từ mô hình xử lý hiệu quả chất thải nhựa và túi nilon, sẽ mở rộng cho các ngành sản xuất khác theo hướng tiếp cận từ nguyên liệu.

Ngoài ra, phát triển kinh tế tuần hoàn cần dựa trên các ngành, lĩnh vực mà Thành phố đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Kinh tế tuần hoàn không thể làm đại trà hay theo phong trào, cần có nghiên cứu đánh giá đúng các ngành, lĩnh vực có khả năng tiếp cận tốt nhất, trong một chiến lược tổng thể chung về phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn”, ông Minh nhấn mạnh và cho rằng đổi mới công nghệ là cốt lõi, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TPHCM), khẳng định, đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giải quyết các vấn đề về bền vững, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế xanh.

Để triển khai kinh tế tuần hoàn có hiệu quả, theo ông Quân, cần có nền tảng chia sẻ giữa các doanh nghiệp; bên cạnh đó, mối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các trường - viện cũng cần chặt chẽ hơn nữa.

Ông Quân cũng đề ra các giải pháp để phát triển nền kinh tế tuần hoàn cho TPHCM như xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xanh (trong đó có mối quan hệ giữa TPHCM, Tây Nguyên, các tỉnh Đông Tây Nam bộ và quốc tế); phát triển các chương trình đào tạo cho sinh viên, nhà khởi nghiệp xanh; xây dựng chính sách tài trợ, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ xanh cho nhóm các doanh nghiệp.…

T
Phát triển KTTH dựa trên đất đai, con người và công nghệ. Ảnh: Internet

Ông Tim Nguyễn, Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp (3AI), thì đề xuất một mô hình kinh tế tuần hoàn Sinh học Nông-Lâm. Đây là một hệ thống kinh tế được thiết kế, để tối ưu hóa việc sử dụng, chia sẻ và tái chế tài nguyên sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp. Mô hình này tạo ra một chu kỳ đóng (đặc biệt là trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo) để giảm lãng phí, giảm thiểu tác động đến môi trường và đạt được các tiêu chí xanh, sự phát triển kinh tế bền vững.

Cụ thể, cần tái chế và tái sử dụng nguồn năng lượng sinh học từ nguồn tái tạo như sinh khối, rơm cỏ, hoặc chất thải hữu cơ để sản xuất năng lượng cho các hoạt động nông và lâm nghiệp. Đồng thời, áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, tăng cường bảo quản dinh dưỡng và chăm sóc đất đai sau canh tác, bảo vệ sinh quyển để duy trì đa dạng sinh học và giảm lượng khí nhà kính.

Tại hội thảo, đại diện các viện - trường, doanh nghiệp cũng đề xuất, cần có lộ trình và mô hình cụ thể hơn để thí điểm, nhân rộng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, có cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi nguồn kinh tế tuần hoàn, có đơn vị hướng dẫn hỗ trợ chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp, có cơ chế đặc thù phù hợp cho việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn, khai thác 3 nguồn lực cốt lõi, thế mạnh của thành phố là đất đai, con người và công nghệ,...