Sản phẩm do Trung tâm Khoa học - Công nghệ Dược Sài Gòn nghiên cứu bào chế, là cơ sở cho việc định hướng khai thác và sử dụng hiệu quả cây Bách bộ tại Đắk Lắk trong việc sản xuất các sản phẩm trị ho.

Cây Bách bộ còn được gọi với nhiều tên khác như là đẹt ác, dây ba mươi, bà phụ thảo, thường mọc ở các khu vực đất có nhiều mùn, độ ẩm cao, ưa bóng mát. Cây mọc hoang nhiều ở vùng rừng núi như Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, vùng Nam bộ và Tây Nguyên.

Theo Đông y, Bách bộ có tính ấm, thường được sử dụng làm thuốc bổ phổi, ôn phế, sát trùng và chữa ho.

Rễ củ cây Bách bộ có chứa nhiều alcaloid, bao gồm các thành phần chính như isotuberostemonin, stemonin, stemin, tuberostemonin, protid 9,0%, lipid 0,83%, glucid 2,3% và các acid hữu cơ như citric, malic, formic và suecunic,… Trong đó, các nghiên cứu đã chứng minh tuberostemonin là thành phần chính đem lại tác dụng chống ho của Bách bộ.

Lá và hoa của cây Bách bộ.    Ảnh: NNC
Lá và hoa của cây Bách bộ. Ảnh: NNC

Ở Đắk Lắk, nguồn giống Bách bộ M'Drắk có củ to, mỗi gốc sau 2 năm trồng có thể thu được 0,5 kg Bách bộ khô và hàm lượng tuberostemonin đạt 0,5%. Tuy nhiên tác dụng dược lý của cao chiết từ rễ Bách bộ trồng tại Đắk Lắk chưa được nghiên cứu. Do đó, Trung tâm Khoa học - Công nghệ Dược Sài Gòn đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu trồng và sản xuất chế phẩm trị ho từ cây Bách bộ tại Đắk Lắk”.

Nhóm nghiên cứu đã điều tra sơ bộ phân bố, trữ lượng cây dược liệu Bách bộ tự nhiên trên địa bàn tỉnh, và xác định vùng trồng thích hợp. Theo đó, trữ lượng Bách bộ khoảng 60-80 tấn/năm, hai huyện có trữ lượng Bách bộ lớn nhất là Ea Súp và M’Drắk. Thử nghiệm trồng dược liệu Bách bộ, cần trồng với khoảng cách giữa các cây là 30x40 cm, giống thích hợp từ M’Drắk cho năng suất thu hoạch cao nhất sau hai năm trồng.

Rễ và củ được dùng để bào chế thuốc ho.    Ảnh: NNC
Rễ và củ được dùng để bào chế thuốc ho. Ảnh: NNC

Củ Bách bộ sau thu hoạch đem rửa sạch, tiền xử lý trong nước sôi 10 phút và sấy ở nhiệt độ 60°C trong 36 giờ. Sau đó, củ được chiết xuất cùng ethanol 50%, tỉ lệ dung môi là 1:8, với nhiệt độ chiết là 90°C trong 4 giờ (quy mô 10 kg Bách bộ khô, tương ứng 100 kg Bách bộ tươi), thu được cao Bách bộ.

Thử tác dụng dược lý và độ an toàn của cao Bách bộ trên chuột thí nghiệm cho thấy, liều đường uống cao nhất là 25 g/kg thể trọng không gây chết và làm ảnh hưởng đến công thức máu cũng như các thông số về chức năng gan, thận của chuột.

Cao chiết Bách bộ ở liều 1,2 g/kg thể trong, ngày 2 lần có tác dụng long đờm tương đương với N-acetyl cystein liều 5,3 mg/kg thể trọng. Như vậy, cao chiết Bách bộ không gây độc cấp tính ở liều 25 g/kg thể trọng và có tác dụng long đờm, giảm ho tốt trên mô hình chuột thí nghiệm ở liều 2,4 g/kg thể trọng/ngày.

Nhóm tác giả cũng đã nghiên cứu quy trình bào chế sirô trị ho từ dược liệu Bách bộ gồm cao Bách bộ, Cam thảo và Cát cánh và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sirô.

Đề tài đã được Sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk nghiệm thu, kết quả đạt.