Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế hệ sinh thái mặn ngọt đan xen, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Tỉnh Cà Mau có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm với các loại hình thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp, tôm - lúa, tôm - rừng kết hợp. Trong đó, tôm càng xanh chủ yếu được nuôi xen canh trong ruộng lúa, mương vườn, nuôi ghép với các loài thủy sản khác. Năng suất tôm càng xanh nuôi bình quân khoảng 245kg/ha/năm, sản lượng nuôi đạt trên 4.500 tấn/năm.

Riêng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực phát triển tốt và tăng trọng lượng nhanh hơn so với mô hình nuôi gồm cả tôm đực và cái. Nguyên nhân là do tôm càng xanh cái có số lượng chiếm 50% và kích thước, khối lượng nhỏ hơn tôm càng xanh đực. Nếu nuôi tôm càng xanh toàn đực sẽ rút ngắn được thời gian nuôi, số lượng giống thả nuôi giảm bớt, hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, nếu kết hợp với nuôi trong ruộng lúa, còn giúp tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và cách ly được mầm bệnh cho mô hình lúa - tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

c
Ao ương tôm. Ảnh: NNC

Nhằm góp phần giúp bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất, lựa chọn đối thủy sản thả nuôi phù hợp theo từng mùa vụ, Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II), đã triển khai thực hiện dự án “Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh tại tỉnh Cà Mau”.

Theo đó, tôm được nuôi theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 ương trong ao 60 ngày (có sục khí), sử dụng thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học, các khoáng chất cần thiết như CaCl2, MgCl2, KCl,… để nâng cao tỷ lệ sống lên 70-80%, tốc độ tăng trưởng tôm nuôi.

Ở giai đoạn 2, tôm ương đạt trọng lượng từ 2,1 – 2,7 gr/con được thả vào ruộng lúa với mật độ 10 con/m2, nuôi 4 – 5 tháng. Phần ao nuôi có diện tích từ 30 - 35% diện tích ruộng lúa.

Trong thời gian nuôi thương phẩm cũng định kỳ sử dụng CaCO3, CaO, vi sinh xử lý môi trường nước ao nuôi, khoáng chất, Zeolite... để điều chỉnh môi trường. Đồng thời, quản lý mực nước trong ruộng theo giai đoạn phát triển của cây lúa, giữ nước ngập mặt ruộng để tôm lên tìm thức ăn, thay nước khi có điều kiện để kích thích tôm lột vỏ tăng trưởng.

Ngoài ra, dự án còn hướng dẫn các hộ nuôi kiểm tra thường xuyên các yếu tố pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn của nước cũng như theo dõi tập tính phản xạ, sự biến đổi màu sắc của cơ thể, mang tôm và khả năng bắt mồi, những phụ bộ và hệ thống gan tụy của tôm,... để có giải pháp xử lý kịp thời.

T
Thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: NNC

Sau thời gian thực hiện, mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, tôm nuôi đạt trọng lượng trung bình 18,6 con/kg, năng suất bình quân đạt 516,4 kg/ha, cao hơn so với các hộ nuôi khác (350 kg/ha). Ngoài tôm càng xanh, thu hoạch lúa của các hộ dân đạt hơn 4 tấn/ha. Qua tính toán của dự án, mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa cho thu nhập từ tôm cao gấp 1,5 lần so với lúa.

Theo nhóm thực hiện dự án, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để hài hòa giữa tôm và lúa cần tuân thủ kế hoạch sản xuất, đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn. Trong đó, cần rửa mặn đảm bảo từ 4-5 ‰ trước khi triển khai vụ nuôi tôm, vì khi đã thả tôm rồi rất khó để rửa mặn do sẽ ảnh hưởng đến tôm.

Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao, người nuôi nên có ao ương để ương trước từ 2 tháng, trong khoảng thời gian ương có thể rửa mặn ruộng nuôi triệt để hơn và tận thu tôm sú thường được thả trước đó còn sót lại. Đồng thời, tận dụng được thời gian dài hơn trong nuôi thương phẩm (2 tháng ương và 5 tháng nuôi) để đạt kích thước tôm thu hoạch lớn, dưới 15 con/kg, từ đó lợi nhuận sẽ tăng thêm.

Dự án đã được Sở KH&CN Cà Mau nghiệm thu trong năm nay, đạt loại xuất sắc, có thể nhân rộng mô hình theo đúng quy trình nuôi.