Mô hình nuôi trồng nấm mối đen đã được thử nghiệm tại TP Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pắc, cho kết quả hứa hẹn, có thể nhân rộng ra toàn tỉnh

Nấm mối đen (lớp ngoài đen, thịt trắng) được biết đến như một món ăn thượng hạng và có giá trị dinh dưỡng tương đương với thịt gà, có thể chế biến nhiều món ăn có tác dụng bồi bổ, trị một số bệnh như suy nhược, mệt mỏi, hỗ trợ hệ tim mạch,…

Nấm mối đen đang được nhiều địa phương nuôi trồng bởi hiệu quả kinh tế cao mà nó mang lại. Trong đó Đắk Lắk là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, vùng nguyên liệu sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp (mùn cưa cao su, rơm rạ, thân cây gỗ,…),… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có rất ít các hộ nuôi nấm mối đen do chi phí đầu tư ban đầu cao, đòi hỏi phải tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi trồng.

Nấm môid
Trồng nấm mối đen cần tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật. Ảnh: NNC

Nắm bắt được nhu cầu sử dụng nấm mối đen ngày càng cao của thị trường, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm mối đen (Xerula radicata) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk".

Mô hình được xây dựng với quy mô 100m2 (trồng 6.400 bịch phôi) với 2 hộ tham gia tại TP Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pắc.

n
Sản phẩm nấm mối đen. Ảnh: NNC

Kết quả, sau 6 tháng triển khai, từ 2 mô hình của 2 hộ nông dân, thu được 1.275 kg nấm mối tươi, lợi nhuận tổng cộng đạt hơn 73 triệu đồng.

Trên thực tế có thể trồng 9.000-10.000 bịch mỗi vụ/100m2, khi đó có thể thu lợi nhuận 100 triệu đồng/vụ. Mỗi năm, người dân có thể trồng 2 vụ. Ngoài ra, phế phẩm sau khi thu hoạch nấm, có thể chuyển sang làm phân bón hữu cơ, tạo thêm độ phì nhiêu cho đất.

Từ mô hình trồng thử nghiệm nấm mối đen, đề tài đã xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng nấm mối đen phù hợp với điều kiện tỉnh Đắk Lắk.

Đề tài đã được Sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk nghiệm thu, kết quả đạt.