Chọn tạo và phát triển được các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế được TPHCM đặt ra trong phát triển nông nghiệp từ nay đến năm 2030.

Hiện trên địa bàn TPHCM, diện tích đất nông nghiệp giảm liên tục hằng năm. Giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm thành phố giảm 700 ha đất nông nghiệp. Giai đoạn 2015 - 2020 mỗi năm giảm thêm 1.000 ha. Tuy nhiên, giá trị sản xuất trên một ha đất vẫn tăng hằng năm. Năm 2015, giá trị sản xuất trên một hecta đất nông nghiệp đạt 375 triệu đồng/năm. Giai đoạn 5 năm tiếp theo con số này là 500 triệu đồng. Thành phố phấn đấu đến 2030 đưa giá trị gia tăng trên một ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 900 triệu đến 1 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu này, chính quyền thành phố xác định, nông nghiệp đô thị phải hướng đến gắn với ứng dụng công nghệ cao; đồng thời đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất giống cây, con chất lượng cao, vừa đáp ứng nhu cầu của ngành nông nghiệp của thành phố vừa cung cấp cho các địa phương phía Nam và xuất khẩu ra các nước trong khu vực, không phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài.

Tại sự kiện Kết nối sáng tạo tháng 10 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống trong nông nghiệp” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết đang tìm kiếm các giải pháp chọn tạo giống cây, con mới.

Cụ thể, cải tiến tính trạng các giống cây trồng như: cây rau, hoa lan, mai vàng, hoa nên, cây ăn quả và một số cây trồng khác có chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; chọn lọc, tạo ra những giống nấm có năng suất, chất lượng cao, đặc tính tốt, có giá trị kinh tế và y sinh; hoàn thiện quy trình tạo ra giống nấm gốc có giá trị.

Đối với gia súc, gia cầm, TPHCM cần những nghiên cứu ứng dụng nhanh công nghệ chọn tạo giống tiên tiến của thế giới, bằng phương pháp BLUP và GEN BLUP; xây dựng hệ thống đánh giá di truyền cho các trại giống heo thuần trên toàn địa bàn Thành phố; đánh giá hiện trạng di truyền A1 - A2 của đàn bò sữa Thành phố để chọn đàn bò hạt nhân A2 chất lượng cao; tăng cường công tác quản lý giống bò sữa, bò thịt , heo giống bằng công nghệ thông tin.

m
Một số giống hoa lan do Trung tâm CNSH TPHCM chọn tạo. Ảnh: Internet

Trong lĩnh vực thủy sản, nghiên cứu làm chủ và phát triển công nghệ chọn tạo giống bố mẹ và kỹ thuật sản xuất giống đối với giống thủy sản chủ lực nước ngọt, nước mặn lợ (tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cá, giống nhuyễn thể...) và cá cảnh; nghiên cứu sinh sản nhân tạo, chọn lọc một số cá cảnh có giá trị kinh tế cao, các dòng cá bản địa.

Ngoài ra, còn có một số mục tiêu khác từ nay đến năm 2030 như tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, trang trại quy mô lớn khép kín đảm bảo an toàn sinh học; chế tạo các thiết bị tự động hóa, đệm lót sinh học, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng; chế tạo hệ thống thu gom xử lý chất thải chăn nuôi tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường;…