Agridential đang bắt tay với tỉnh Cà Mau để giúp các sản phẩm chủ lực ở đây triển khai truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain, hướng tới thị trường quốc tế.

Chia sẻ kinh nghiệm về truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain tại Cà Mau | Ảnh: BTC
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain tại Cà Mau | Ảnh: BTC

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối liên kết với nhau. Mỗi khối chứa thông tin không thể thay đổi từ lúc được khởi tạo và liên kết chặt chẽ với các khối trước đó.

Chính vì khả năng chia sẻ thông tin minh bạch, bảo mật cao và tiết kiệm không gian lưu trữ nên blockchain được áp dụng trong truy xuất nguồn gốc sẽ giúp các bên tham gia dọc theo chuỗi cung ứng biết đươc “lý lịch” của từng sản phẩm mà mình đang nhận.

Mới đây, tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ, giải pháp truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn tiếp cận phần mềm trên địa bàn tỉnh Cà Mau” do Sở KH&CN - Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Cà Mau tổ chức, giải pháp Agridential.vn do Công ty cổ phần Vietnam Blockchain (VBC) nghiên cứu và phát triển, đã báo cáo kết quả thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với 7 sản phẩm chủ lực của Cà Mau (4 sản phẩm OCOP và 3 nhãn hiệu tập thể), trong đó có Cua Năm Căn, Tôm Khô Rạch Gốc và Mật Ong Rừng U Minh.

Thông qua dự án hợp tác với Sở KH&CN Cà Mau trong năm 2021, VBC đã giúp các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý thông tin theo công nghệ blockchain và tuân thủ các quy định mới của Việt Nam về tem nhãn nguồn gốc xuất xứ ra thị trường.

Các trường dữ liệu về sản phẩm ghi nhận trên Agridential được chuẩn hóa phù hợp với các hoạt động diễn ra của doanh nghiệp và tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc. Mỗi công đoạn ghi lại trong nhật kí sản xuất sẽ tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế, ghi nhận đầy đủ các thông tin "không thể can thiệp" về: công đoạn, thời điểm, địa điểm, người thực hiện cũng như hình ảnh minh họa.
Giao diện ứng dụng Agridential.vn thể hiện ở bản web và bản mobile
Giao diện ứng dụng Agridential thể hiện ở bản web và bản mobile | Ảnh chụp màn hình

Đến nay, Agridential đã triển khai truy xuất nguồn gốc bằng blockchain cho hơn 660 sản phẩm ở nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ. Hơn 8 triệu mã QR Blockchain đã được phát hành.

Sau dự án với Cà Mau, doanh nghiệp này đang có ý định mở rộng phạm vi tiếp cận với nhiều tỉnh miền Tây khác.

Theo VBC, miền Tây có rất nhiều sản phẩm tiềm năng, kể cả cho xuất khẩu. Với chi phí đầu tư phù hợp và thiết kế ứng dụng dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian làm việc, các hợp tác xã và nông hộ ở miền Tây có thể truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ 4.0 hiện đại, từ đó củng cố niềm tin cho khách hàng ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Còn theo đại diện của cơ quan quản lý, việc áp dụng các nền tảng mới như thế sẽ giúp thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam. Việc số hóa các chuỗi cung ứng thực phẩm bằng các công nghệ minh bạch như blockchain có thể góp phần giúp nền nông nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu, trở thành nguồn cung ứng sản phẩm đáng tin cậy hơn trong bối cảnh các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới đặt ra yêu cầu khắt khen nhằm hạn chế các loại thực phẩm “bẩn”, không thể truy xuất nguồn gốc.