Sở KH&CN TPHCM hỗ trợ tối đa 30% kinh phí cho đơn vị thực hiện dự án hỗ trợ hoạt động ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp và giáo dục tại Thành phố trong năm 2022.

Cụ thể, đối với các dự án nông nghiệp, đơn vị đăng ký thực hiện dự án là các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức KH&CN,… có mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, ĐMST trong nông nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao; có chức năng, nhiệm vụ phù hợp và đủ năng lực để triển khai dự án. Ưu tiên các mô hình, giải pháp ứng dụng tiến bộ KH&CN, ĐMST có hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng. Đơn vị đăng ký thực hiện sẽ nhận được phần kinh phí phối hợp từ nguồn ngân sách Thành phố tối đa 30% tổng kinh phí thực hiện dự án nhưng không vượt quá 300 triệu đồng/dự án.

b
Các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN hiệu quả cao được ưu tiên hỗ trợ Ảnh: Internet

Ngoài ra, Sở KH&CN TPHCM cũng hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/tài liệu cho các đơn vị đăng ký xây dựng tài liệu mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ nông nghiệp. Đơn vị đăng ký thực hiện cần có mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản), chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản và chế biến sau thu hoạch) có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với địa bàn TPHCM để xây dựng tài liệu mô hình.

Đối với hoạt động ĐMST trong lĩnh vực giáo dục, đơn vị đăng ký thực hiện có thể là UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức (phòng Kinh tế, phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng KH&CN…) thông qua các đơn vị tổ chức, các trường (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) trên địa bàn; các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST,... Đơn vị đăng ký thực hiện sẽ nhận được phần kinh phí phối hợp từ nguồn ngân sách Thành phố, tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện, nhưng không vượt quá 80 triệu đồng/dự án.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ liên tục trong năm 2022.