Vừa qua, tại Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh, tổ chức họp Hội đồng xét giao trực tiếp thực hiện đề tài “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất nghêu giống và ương dưỡng trong ao đất lót bạt” do Trung tâm Giống tỉnh Trà Vinh đăng ký chủ trì thực hiện, ThS Nguyễn Văn Hạnh đăng ký chủ nhiệm đề tài.



Trà Vinh có vùng bãi triều ven biển rộng, là môi trường rất tốt cho phát triển nuôi nghêu. Hiện nay, toàn tỉnh có 06 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác nuôi nghêu với nhu cầu con giống trên 400 triệu con hàng năm, dù có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên để nuôi nghêu nhưng toàn tỉnh hiện chưa có cơ sở sản xuất và ương nghêu giống để phục vụ nghề nuôi nghêu ở tỉnh, các hợp tác xã và tổ hợp tác hiện nay chủ yếu mua nghêu giống ở ngoài tỉnh, như Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu…


Để phục vụ nhu cầu về nghêu giống tại tỉnh, từ năm 2014-2017, Trung tâm Giống tỉnh Trà Vinh đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất và ương nghêu giống (Meretrix lyrata) nhân tạo trên ao đất lót bạt ở vùng ven biển tỉnh Trà Vinh”. Kết quả đề tài đã xây dựng thành công (1) Quy trình sản xuất nghêu cám trên ao lót bạt không mái che, và (2) Quy trình ương nghêu cám lên nghêu giống (5.000 - 10.000 con/kg).


Đề tài này triển khai nhằm chuyển giao kỹ thuật của kết quả nghiên cứu trên vào thực tế sản xuất của hợp tác xã nhằm chủ động sản xuất con giống phục vụ nghề nuôi. Điểm được chọn để ứng dụng chuyển giao trực tiếp là Hợp tác xã nuôi nghêu sò Tiến Thành - xã Long Hòa, huyện Châu Thành, với mục tiêu giúp Hợp tác xã nuôi nghêu sò Tiến Thành nắm được quy trình sản xuất và ương nghêu giống từ đó có thể tự sản xuất đáp ứng nhu cầu con giống cho hợp tác xã, giảm được chi phí và tăng lợi nhuận cho hợp tác xã, khắc phục được những hạn chế của việc phụ thuộc vào nguồn con giống mua từ ngoài tỉnh, đồng thời các hợp tác xã nuôi nghêu còn lại trên địa bàn tỉnh có thể cùng tham gia sản xuất để từng bước tiếp nhận công nghệ.


Hội đồng đánh giá cao tính thực tiễn của đề tài và thống nhất đề nghị thực hiện.