Là một trong những tỉnh nhận được nhiều dự án đầu tư từ chương trình nông thôn miền núi (NTMN), Bắc Giang đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Bắc Giang thành công nhờ mối liên kết 5 nhà bền chặt.

Trả lời tại buổi giao lưu "Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông thôn" do Báo Khoa học và Phát triển tổ chức, ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang cho rằng, để đưa tiến bộ KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn – miền núi cần thiết phải có sự vào cuộc một cách trách nhiệm của 5 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và người dân).

Nhà quản lý phải thấy rõ trách nhiệm của mình để ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện để KH&CN phát triển. Nhà khoa học ngoài việc nghiên cứu các tiến bộ KH&CN, còn phải thấy rõ các nhu cầu ứng dụng KH&CN của người dân (nhu cầu của thị trường). Chỉ có như vậy thì công nghệ đó mới được triển khai hiệu quả. Một vấn đề không thể thiếu khi chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới đó là sự vào cuộc một cách trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Bởi vì chính các doanh nghiệp mới có nhiều điều kiện về tiếp thu công nghệ, tư liệu sản xuất, vốn và có điều kiện phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong mối liên kết này vai trò của ngân hàng cũng rất quan trọng, bởi vì muốn mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, mở rộng thị trường thì các doanh nghiệp và người dân cần phải có đủ nguồn tài chính.

Nếu như ngân hàng có cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân vay vốn thì sẽ giải quyết được vấn đề vốn. Nói gì thì nói, trong điều kiện hiện nay khi đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân, thì vai trò tham gia của người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu các nhà khoa học có công nghệ tốt, có quy trình sản xuất tiến bộ, doanh nghiệp muốn tham gia, nhà nước có chính sách tốt, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn, nhưng người dân chưa sẵn sàng tham gia thì việc ứng dụng triển khai tiến bộ KH&CN sẽ vô cùng khó khăn.

Chính vì vậy để đưa tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, miền núi thì mối liên kết chặt chẽ của 5 nhà mang yếu tố quyết định.

Ông Kiên cũng khẳng định, chương trình phát triển KH&CN phục vụ nông thôn – miền núi là một trong những chương trình có ý nghĩa quan trọng nhất đối với việc ứng dụng KH&CN vào phát triển KH&CN địa phương.

Bắc Giang là một tỉnh nông nghiệp có nhiều các sản phẩm chủ lực như: vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, nấm, chăn nuôi lợn, cây dược liệu, cây lâm nghiệp… Đây là những sản phẩm mang tính thương hiệu của địa phương góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Những sản phẩm này đều được phát triển trên cơ sở các dự án KH&CN thuộc chương trình Nông thôn - Miền núi. Nói như thế để thấy rằng hiệu quả của Chương trình Nông thôn – Miền núi đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nói chung, của Bắc Giang nói riêng.

Trong số nhiều dự án đã thực hiện thành công, điều mà giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang ấn tượng nhất là các sản phẩm chủ lực này không những được bảo hộ thương hiệu ở trong nước mà các sản phẩm chủ lực này còn được bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài.


Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang trả lời bạn đọc Báo Khoa học và Phát triển.