Đột phá từ nghề trồng cây ăn quả
Là huyện biên giới có địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp, huyện Sông Mã bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp. Toàn huyện có 18 xã, thị trấn, trong đó phần lớn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với mức thu nhập còn hạn chế. Vì vậy, cấp ủy Đảng, chính huyền huyện luôn trăn trở tìm lời giải cho câu hỏi: Làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ Chương trình NTM trên địa bàn? Sau nhiều cuộc họp bàn, lấy ý kiến nhân dân, huyện đã xác định lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân làm “điểm tựa”.
Nhãn ghép đang khẳng định là cây trồng có hiệu quả nhất ở Sông Mã. Ảnh: Q.Đ
Ông Lương Văn Vịnh– Trưởng phòng NNPTNT huyện Sông Mã cho biết: Trên cơ sở phân tích các tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện đã quy hoạch phát triển sản xuất theo từng vùng, đầu tư hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy sản xuất nông nghiệp những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng hàng hóa, giảm diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả chất lượng cao. Trong đó phải kể đến mô hình trồng nhãn ghép, cây trồng chủ lực của huyện với diện tích hơn 5.560ha và các loại cây ăn trái khác như bưởi da xanh, chanh leo; phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi đại gia súc… Nhờ đó trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú.
Đã có xã đầu tiên đạt chuẩn
Trong năm 2017, huyện Sông Mã đã có xã Chiềng Khương, cũng là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Sơn La đạt chuẩn NTM; xã Chiềng Sơ đạt 12 tiêu chí, các xã khác đạt 5 – 9 tiêu chí. Năm 2018, huyện phấn đấu có thêm ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM.
Bà Lê Thị Yến - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã phấn khởi cho biết: Tuy còn nhiều khó khăn, song những kết quả đã đạt được trong xây dựng NTM ở huyện Sông Mã những năm qua đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của người dân. “Cái được lớn nhất thời gian qua là đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.” – bà Yến nói thêm.
Ông Lò Văn Hỏi, bản Híp (xã Chiềng Khương) - hộ đã tình nguyện hiến 385m2 đất vườn của gia đình cho xã làm đường nông thôn và xây trường mầm non, tâm sự : "Bà con trong bản ai cũng muốn có đường bê tông thay thế đường đất để đi lại đỡ khổ, vì thế khi có chủ trương Nhà nước hỗ chợ xi măng làm đường bê tông vào bản, tôi đã tình nguyện hiến 70m2 đất vườn để làm cho đường vào bản to, rộng hơn".