Trong danh sách 100 hệ sinh thái mới nổi năm nay của Startup Genome, TPHCM vẫn đứng trong nhóm 81-90 như năm ngoái, dù các phương thức đánh giá đã có sự thay đổi.
Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu
(GSER 2023) của Startup Genome công bố hôm 15/6 vừa qua có 6 chỉ số đánh giá hệ sinh thái mới nổi, mở rộng thêm 2 chỉ số so với năm ngoái, bao gồm:
- Hoạt động (Performance - 40%)
- Tài trợ vốn (Funding - 30%)
- Tiếp cận thị trường (Market Reach - 12,5%)
- Kinh nghiệm và Nhân tài (Experience & Talent - 12,5%)
- Kết nối (Connectedness - 2,5%)
- Hiểu biết (Knowledge - 2,5%)
Ở ba chỉ số đầu, TPHCM vẫn giữ nguyên điểm số, lần lượt là Hoạt động (1 điểm), Tài trợ vốn (5 điểm), và Tiếp cận thị trường (1 điểm) trên thang điểm 10.
Với chỉ số về Kinh nghiệm và Nhân tài, TPHCM đã có sự cải thiện đáng kể từ mức 1 điểm năm ngoái lên 7 điểm trong báo cáo năm nay.
Hai chỉ số mới về Kết nối và Hiểu biết của TPHCM đều được đánh giá đang ở mức rất sơ khởi là 1 điểm.
TPHCM được ghi nhận đã có 4 kỳ lân trong vòng thập kỷ qua.
Trong khi đó,
Hà Nội không có tên trong bảng xếp hạng của Startup Genome trong hai năm 2022 và 2023, mặc dù đã từng vào nhóm 91-100 của năm 2021.
Top 100 hệ sinh thái mới nổi hiện có giá trị khoảng 1.500 tỷ USD, trong đó châu Âu là khu vực có nhiều đại diện nhất trong bảng xếp hạng này, tăng từ tỷ lệ 37% trong báo cáo GSER 2022 lên 41% trong báo cáo năm nay.
Các hệ sinh thái hàng đầu
Bên cạnh Top 100 hệ sinh thái mới nổi, GSER cũng xếp hạng Top 30 hệ sinh thái hàng đầu thế giới, và theo sau đó là 10 hệ sinh thái á quân (runner-ups).
Các hệ sinh thái hàng đầu và á quân cũng được đánh giá theo 6 tiêu chí nhưng với tỷ trọng khác, thể hiện tính chất trưởng thành hơn của hệ sinh thái, bao gồm:
- Hoạt động (Performance - 30%)
- Gọi vốn (Funding - 25%)
- Tiếp cận thị trường (Market Reach - 15%)
- Kinh nghiệm và Nhân tài (Experience & Talent - 20%)
- Kết nối (Connectedness - 5%)
- Hiểu biết (Knowledge - 5%)
Ba hệ sinh thái hàng đầu vẫn duy trì được sự ưu việt của mình từ năm 2020, trong đó Thung lũng Silicon tiếp tục đứng thứ nhất, tiếp theo là New York và London (UK) đồng vị trí thứ 2.
Boston và Bắc Kinh đều trượt khỏi vị trí cũ xuống xếp thứ 6 và 7, mở đường cho Los Angeles và Tel Aviv vươn lên vị trí thứ 4 và thứ 5.
Singapore lần đầu vào top 10, tăng 10 bậc ấn tượng so với vị trí thứ 18 hồi năm ngoái. Kết quả này đạt được do Singapore đã có một loạt thương vụ thoái vốn trên 50 triệu USD, bốn trong số đó có trị giá hơn 1 tỷ USD. Singapore hiện tự hào có 18 kỳ lân, bao gồm sàn giao dịch tiền điện tử KuCoin được định giá 10 tỷ USD.
Tám hệ sinh thái của Trung Quốc đã giảm trong bảng xếp hạng từ năm ngoái, bao gồm các trung tâm hàng đầu như Bắc Kinh giảm 2 bậc, Thượng Hải giảm 1 bậc và Thâm Quyến giảm 12 bậc. Ba thành phố này hiện lần lượt đứng ở vị trí #7, #9 và #35.
Trong khi đó, các hệ sinh thái của Ấn Độ tiếp tục thăng hạng, với Mumbai tăng năm bậc, lên vị trí #31. Hai thành phố Bengaluru-Karnataka và Delhi đều tăng hai bậc, lên thứ #20 và #24. Thành công này phần lớn là do số lượng kỳ lân ở Ấn Độđang tăng lên. Năm 2022, Ấn Độ đã có thêm 24 kỳ lân mới.
Mặc dù giảm nhẹ hai bậc so với năm ngoái, Seoul vẫn xếp cao ở vị trí thứ 12 và có sự gia tăng đáng kể về số kỳ lân đang hoạt động, từ 9 lên 17 kỳ lân.
Tokyo, hệ sinh thái duy nhất của Nhật Bản trong Top 30 hiện đang đứng ở vị trí thứ 15, giảm so với vị trí thứ 12 vào năm ngoái, chủ yếu do sự phát triển nhanh hơn của các hệ sinh thái khác.
Melbourne đã tăng 6 bậc so với năm ngoái, để đạt vị trí thứ 33. So với năm 2022, giá trị các hệ sinh thái của Úc đã tăng 43%.
Zurich đã có những tiến bộ đáng kể và tăng 10 bậc, mức tăng cao nhất ở châu Âu, so với năm ngoái, lọt vào nhóm runner-up, ở thứ 36.
Hi vọng trong bối cảnh mới
Các chuyên gia của GSER 2023 nhận định suy thoái kinh tế là thời điểm tốt để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Ở Mỹ, kỷ nguyên lãi suất thấp gần 0% và định giá ngày càng tăng đã kết thúc đột ngột vào năm 2022. Tình hình tương tự còn diễn ra nhiều nơi khác trên thế giới như châu Âu. Bối cảnh này đã tác động đến tỷ lệ lợi nhuận của các công ty khởi nghiệp, khiến các khoản đầu tư rút lui và khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đã thu hẹp đáng kể.
Nhưng lãi suất cao cũng có thể mang lại lợi ích cho các công ty khởi nghiệp vì họ tập trung vốn và tài năng vào các dự án tạo ra giá trị, loại bỏ các liên doanh kém cạnh tranh hơn. Trong bối cảnh thị trường đầu tư mạo hiểm truyền thống hạ nhiệt và vốn ngày càng trở nên khó huy động hơn, nhiều công ty khởi nghiệp coi huy động vốn từ cộng đồng, nợ và các khoản vay là các lựa chọn tài chính thay thế.
Các công ty công nghệ lớn cũng đã sa thải hàng trăm nghìn nhân viên trong thời kỳ bùng phát đại dịch COVID-19 vào những tháng cuối năm 2022 - đầu năm 2023. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bùng nổ của các công ty khởi nghiệp mới.
Nhiều tài năng hàng đầu với bí quyết công nghệ và chuyên môn trong ngành đang tìm kiếm các dự án mới, GSER 2023 nhận định.
Bên cạnh đó, GSER 2023 cũng đưa ra các phân tích cụ thể về đặc điểm của một số hệ sinh thái và xu hướng đầu tư/thoái vốn trong các lĩnh vực như AI & Big Data, Fintech, Khoa học Sự sống, Sản xuất tiên tiến và Robotics, Blockchain, CleanTech, Agtech & Thực phẩm mới, An ninh mạng,...
Đây là năm thứ 11 công ty nghiên cứu và tư vấn chính sách đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới Startup Genome, trụ sở ở San Francisco, công bố các báo cáo GSER. Báo cáo năm nay dựa trên phân tích dữ liệu từ 3,5 triệu công ty khởi nghiệp tại 290 hệ sinh thái toàn cầu.