Hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2019 đã có những bước phát triển đáng kể, với sự tăng nhanh số lượng các quỹ đầu tư cho startup cũng như các cơ sở ươm tạo và khu làm việc chung.
Chiều 9/6, Ban điều hành Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) đã có phiên họp nhằm tổng kết tình hình triển khai hoạt động năm 2019 và thảo luận phương án hoạt động tổng thể cùng các nhiệm vụ cho năm 2020.
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng - Trưởng ban điều hành Đề án 844, cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan thuộc Ban điều hành như Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo… cùng đại diện các Sở KH&CN, Hải Phòng Quảng Ninh, Bình Dương…; đại diện các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp quốc tế và chuyên gia khởi nghiệp sáng tạo…
Báo cáo về kết quả hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, nhận định: "Hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2019 đã có những bước phát triển đáng kể”.
Cụ thể, báo cáo của quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures cho thấy, Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trong số các quốc gia ASEAN về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore; lượng vốn đầu tư mạo hiểm tăng từ 5% năm 2018 lên 17% trong tổng vốn đầu tư cho startup ở khu vực.
Hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các lĩnh vực như công nghệ 4.0, thương mại điện tử, công nghệ giáo dục, công nghệ nông nghiệp, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và du lịch.
So với năm 2018, số cơ sở ươm tạo cũng tăng thêm 10, lên 48 cơ sở; khu làm việc chung tăng 2,5 lần, lên 184 khu.
Đặc biệt, trong năm 2019, có 61 quỹ đầu tư, phần lớn là nước ngoài, có hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, tăng 50% so với năm 2018. Tổng số vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2019 đạt 851 triệu USD. Trong nửa đầu năm 2020, con số này đạt 184 triệu USD với 28 thương vụ mới được thực hiện.
“Đáng nói là sự xuất hiện của một số
quỹ đầu tư cũng như sự quan tâm ngày càng cao của các tập đoàn lớn như
Vingroup, FPT, CMC đối với khởi nghiệp sáng tạo; nhất là sau khi có Nghị
định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp vừa và
nhỏ khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định 76-2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Tại thời điểm tháng 12/2019,
đã có 4 quỹ đầu tư đăng ký theo Nghị định số 38” - ông Quất nhấn mạnh.
Bên
cạnh đó, các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và khuyến
khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cũng được triển khai mạnh mẽ với
các chương trình như Khởi nghiệp công nghệ, Thương vụ bạc tỷ Shark Tank,
Quốc gia khởi nghiệp trên kênh VNV1 và VTV3 hay Cổng thông tin khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (
http://startup.gov.vn/), cung cấp thông tin, dữ liệu về hành lang pháp lý, chính sách công nghệ, thông tin sáng chế, dịch vụ hỗ trợ, ý tưởng sáng tạo.
Cần bộ công cụ đánh giá hiệu quả các hoạt động của Đề án
Chia sẻ về định hướng hoạt động trong giai đoạn 2020-2025, ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Đề án 844, cho biết, công tác chuyên môn và công tác quản lý sẽ được tập trung hỗ trợ theo chiều sâu.
Trong đó, về công tác chuyên môn, Đề án 844 sẽ tập trung hỗ trợ chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, khai thác và tận dụng tối đa các nguồn lực quốc tế; công khai các mô hình hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã đạt được hiệu quả trong thời gian qua để phổ biến, chuyển giao cho các địa phương và tổ chức hỗ trợ trong hệ sinh thái; tăng cường liên kết giữa các chủ thể để phối hợp và tận dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Về công tác quản lý, Đề án 844 tiếp tục tăng cường giám sát, đánh giá kết quả triển khai tại các bộ, ngành, địa phương và tổ chức trong hệ sinh thái; hình thành cơ chế thu thập thông tin, dữ liệu hệ sinh thái tăng cường hiệu quả của Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; hình thành mạng lưới chuyên gia đồng hành cùng Đề án để theo dõi, hỗ trợ các hoạt động triển khai trên cả nước; nâng cao năng lực quản lý, triển khai hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hình thành hệ thống các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp quốc gia, vùng, địa phương.
Góp ý cho các hoạt động của Văn phòng Đề án 844, ông Trần Trí Dũng - Quỹ khởi nghiệp Thuỵ Sĩ Swiss EP, cho rằng, để các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được minh bạch, Văn phòng Đề án 844 cần xây dựng bộ công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả các hoạt động và có một bộ phận chuyên trách theo dõi việc thực hiện.
“Nếu hoạt động nào bị chệch khỏi mục tiêu hoặc hỗ trợ không đúng đối tượng ưu tiên của Đề án sẽ được cảnh báo để điều chỉnh. Bộ công cụ cũng sẽ đưa ra bức tranh toàn cảnh sau một năm, chỉ số nào đang phát triển, chỉ số nào đang tụt hậu, từ đó giúp Ban điều hành Đề án đánh giá xem hoạt động đang mạnh, yếu chỗ nào” – ông Trần Trí Dũng nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Dũng, ông Mai Duy Quang - Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cho rằng, hiện các startup chỉ biết các hỗ trợ của Đề án 844 qua Techfest, trong khi đó, Đề án đang làm rất nhiều việc khác. Vì vậy, thời gian tới Văn phòng Đề án 844 cần làm rõ các đơn vị đang nhận hỗ trợ của Đề án và những công việc các đơn vị này đang triển khai.
“Ngoài ra, Cổng thông tin khởi nghiệp (
http://startup.gov.vn/) có thể coi là gương mặt của khởi nghiệp Việt Nam. Vì thế cần sử dụng hiệu quả kênh truyền thông này, để tạo ra mạng lưới giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước với các startup Việt. Hiện do đang thiếu một kênh tương tự nên các quỹ đầu tư thường chỉ có thể đi hỏi từng người trong network, gây ra sự thiếu sót lớn” – ông Mai Duy Quang nói.