Tọa đàm “Ô nhiễm bụi mịn - Mặt tối của hoạt động con người” giới thiệu những nghiên cứu quan trọng về bụi mịn, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề khí thải sau quá trình đốt.
Từ lâu, con người đã sử dụng quá trình cháy để tạo ra năng lượng (nhiệt). Quá trình này đáp ứng nhiều nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nhưng đồng thời tạo ra nhiều chất thải, như bụi mịn và muội than (hay carbon đen), có khả năng gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Bắt đầu từ thế kỷ 19, khi diễn ra cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, sự gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch cho các hoạt động sản xuất, đã kéo theo sự gia tăng mạnh của các chất thải ô nhiễm này.
Tọa đàm “Ô nhiễm bụi mịn - Mặt tối của hoạt động con người” được tổ chức nhân Ngày Môi trường Thế giới (5/6), giới thiệu những nghiên cứu về bụi mịn quan trọng đến thời điểm này, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề khí thải sau quá trình đốt.
Các diễn giả tham gia thảo luận bao gồm:
PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia trong việc mô hình hóa lập bản đồ ô nhiễm không khí, nghiên cứu về phát thải từ đốt sinh khối, chế tạo cảm biến chi phí thấp để theo dõi ô nhiễm không khí.
TS Xavier Mari, nhà sinh địa hóa học, Viện Hải dương học thuộc Địa Trung Hải (MIO)/IRD, chuyên gia về chu trình của Carbon và tác động của ô nhiễm bụi mịn đến các quá trình đại dương - khí hậu.
Bà Đỗ Vân Nguyệt, giám đốc Tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng Live&Learn. Từ năm 2017 đến nay, tổ chức phi chính phủ này điều phối thực hiện dự án “Không khí sạch – Thành phố xanh” ở Việt Nam do USAID tài trợ, nhằm đưa các kiến thức về ô nhiễm không khí tới công chúng và huy động nguồn lực để thực hiện các hành động khác nhau vì sức khỏe môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Sự kiện này đồng thời nằm trong khuôn khổ hoạt động của chương trình nghiên cứu SOOT-SEA được IRD tài trợ nhằm xem xét tác động của ô nhiễm bụi mịn đến sức khỏe, khí hậu và hệ sinh thái ở Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar) dựa trên mạng lưới quan sát khu vực.
Tọa đàm diễn ra vào 18h00, thứ Sáu ngày 5/6/2020 tại Hội trường L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội và mở cửa tự do.