Theo báo cáo của Momentum Works và Cento Ventures, các công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á đã huy động được khoảng 10,4 tỷ USD trong năm 2022 - mức lớn thứ ba trong lịch sử của khu vực này - bất chấp ngành công nghệ toàn cầu đang trải qua khủng hoảng lớn.

Đồng sáng lập GoTo Kevin Aluwi, Chủ tịch Patrick Cao, Giám đốc điều hành Andre Soelistyo và đồng sáng lập William Tanuwijaya tại Jakarta hôm thứ Hai. ẢNH: HANDOUT/AGENCE FRANCE-PRESSE/GETTY IMAGES
Đồng sáng lập GoTo Kevin Aluwi, Chủ tịch Patrick Cao, Giám đốc điều hành Andre Soelistyo và đồng sáng lập William Tanuwijaya. Giá cổ phiếu của hãng đã có màn ra mắt ấn tượng tại Sàn chứng khoán Jakarta, khi có thời điểm tăng tới 23% ngay trong phiên đầu. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, các nhà đầu tư giai đoạn cuối trên khắp thế giới đã bắt đầu chuyển trọng tâm của từ các vòng cấp vốn series C+ sang các giai đoạn đầu tư sớm hơn. Các thương vụ trị giá trên 100 triệu USD trong năm 2022 giảm 60% so với năm trước đó, đạt 3 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Trong khi đó, nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt là các giao dịch dưới 50 triệu USD, vẫn tương đối ổn định. Vốn đổ vào các khoản đầu tư vòng Series B và Series C dù chậm lại nhưng vẫn ở trên mức trước đại dịch.

Ngoài ra, báo cáo cho thấy năm 2022 đánh dấu một năm kỷ lục về thanh khoản, trong đó nổi lên bốn sự kiện lớn tạo ra hơn 500 triệu USD trong mỗi sự kiện: các đợt IPO của GoTo (công ty mẹ của Gojek) và startup thương mại điện tử Blibli - đều có trụ sở ở Indonesia; việc Ant Group mua lại nền tảng thu tiền trực tuyến 2C2P có trụ sở ở Singapore; và vòng gọi vốn trị giá 690 triệu USD Mỹ của startup thanh toán game Coda Payments có trụ sở ở Singapore.

Ở cấp độ quốc gia, Philippines đã vượt qua Việt Nam, giữ vị trí thứ ba về tổng số vốn đầu tư mạo hiểm huy động được. Thị trường Philippines đang nổi lên là một thị trường nhân sự kỹ thuật tiềm năng. Năm 2022, với 210 triệu USD huy động được từ vòng gọi vốn mới đây nhất, Voyager Innovations - chủ sở hữu của ví điện tử PayMaya và ngân hàng kỹ thuật số Maya Bank - trở thành kỳ lân thứ hai ở Philippines. Trong khi đó Việt Nam không có kỳ lân mới nào xuất hiện kể từ quý 4 năm 2021.

Indonesia một lần nữa chiếm phần lớn trong nguồn vốn tài trợ cho các startup, theo sau là Singapore. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi Indonesia - với lợi thế là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, sở hữu một thị trường tiêu dùng trên nền tảng di động khổng lồ và có nhiều chuyên gia hiểu biết về kỹ thuật số, đặc biệt là trong phân khúc thương mại điện tử. Trong khi đó, Singapore là quê hương của 12 kỳ lân và hơn 3.800 công ty khởi nghiệp hỗ trợ công nghệ, đã đóng góp vào một hệ sinh thái trị giá ước tính 89 tỷ USD. Chính phủ Singapore cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển môi trường khởi nghiệp của đảo quốc này.