Lần đầu Việt Nam có văn bản quy định về hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học, bao gồm tiêu chí công nhận nhóm nghiên cứu mạnh và các ưu đãi.

Ngày 30/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, những tiêu chí quan trọng để được công nhận nhóm nghiên cứu mạnh gồm:

Thứ nhất, phải có trưởng nhóm và ít nhất 5 thành viên chủ chốt; và có định hướng nghiên cứu tiếp cận được các hướng nghiên cứu tiên tiến, có tính đột phá, liên ngành.

Thứ hai, công bố ổn định và đạt mức trung bình mỗi năm ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) đối với khối ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật công nghệ, ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS và Scopus đối với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Bên cạnh đó, phải có sự gia tăng chất lượng các bài báo thông qua việc được đăng trên tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn cao. Ngoài ra, phải xuất bản ít nhất 01 sách chuyên khảo hoặc 02 sách, giáo trình; đào tạo 05 tiến sĩ trong giai đoạn 5 năm thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, được cấp trung bình mỗi năm ít nhất 01 bằng độc quyền sáng chế hoặc 02 bằng độc quyền giải pháp hữu ích hoặc 02 bằng bảo hộ giống cây trồng có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội; chuyển giao ít nhất 05 công nghệ sản xuất hoặc thương mại hóa ít nhất 05 sản phẩm KH&CN vào thực tiễn phục vụ cộng đồng hoặc có 01 sản phẩm KH&CN quốc gia được công nhận trong giai đoạn 5 năm thực hiện nhiệm vụ.

Theo Nghị định, nhóm nghiên cứu mạnh được hưởng ưu đãi cả từ Nhà nước và từ cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, những ưu đãi quan trọng từ nhà nước gồm: được ưu tiên xem xét đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; được ưu tiên đề xuất bố trí vốn đầu tư các dự án đầu tư phát triển cơ sở vật chất; được ưu tiên cử thành viên tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài; được cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức KH&CN nước ngoài và được hỗ trợ kinh phí tham dự hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và ngoài nước theo các chương trình, đề án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; được hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…; được hỗ trợ sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác; được các thư viện, tổ chức thông tin KH&CN công lập tạo điều kiện làm việc.

Còn ưu đãi từ cơ sở giáo dục đại học gồm: được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, bố trí phòng làm việc và các phương tiện văn phòng cần thiết; được hỗ trợ tìm kiếm các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; được hỗ trợ kinh phí theo khả năng của cơ sở giáo dục đại học. Bên cạnh đó, trưởng nhóm và thành viên chủ chốt, nếu là giảng viên cơ hữu, được giảm 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy hằng năm.

Nghị định cũng nêu các tiêu chuẩn trưởng nhóm và thành viên nhóm nghiên cứu mạnh; và điều kiện của cơ sở giáo dục đại học là tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh.

Tiêu chuẩn quá cao?

nnc
Các nhà khoa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội làm việc trong phòng thí nghiệm. Nguồn: hus.vnu.edu.vn

Bình luận về Nghị định mới, trưởng một nhóm nghiên cứu có nhiều thành tích ở ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng các tiêu chí đối với nhóm nghiên cứu mạnh được xây dựng "quá cao". Anh lý giải, với các tiêu chí đối với sản phẩm đầu ra như được nêu trong Nghị định, một nhóm nghiên cứu mạnh sẽ phải đáp ứng cả ba định hướng: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và nghiên cứu sản phẩm. “Chạy 10 bài [công bố quốc tế]/năm khác hoàn toàn chuyển giao 1 sản phẩm/năm. Hai hướng này này không hỗ trợ nhau,” anh cho biết. “Khó có nhóm nghiên cứu nào đáp ứng được cùng lúc cả ba định hướng nghiên cứu đó, may ra thì có nhóm nghiên cứu mạnh ở tập đoàn lớn. Ở Singapore, nếu một trưởng nhóm nghiên cứu cam kết dẫn dắt nhóm làm được từng đó việc thì có thể được cấp 2 triệu USD/năm.”

Vị trưởng nhóm nghiên cứu cho biết thêm, hiện ĐH Quốc gia Hà Nội có chu trương cấp kinh phí cho nhóm nghiên cứu mạnh 500 triệu/năm, sau 3 năm thì hậu kiểm. Tuy nhiên, các nhóm nghiên cứu mạnh này chỉ cần đáp ứng 1 trong 3 định hướng: nghiên cứu nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng; hoặc nghiên cứu sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa, khởi nghiệp

Tiêu chí đối với sản phẩm đầu ra của nhóm nghiên cứu mạnh do ĐH Quốc gia công bố vào cuối năm 2021 cũng không “cao” như trong Nghị định mới. Thí dụ, nhóm nghiên cứu mạnh theo định hướng nghiên cứu ứng dụng chỉ cần đạt tiêu chí có văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích; hoặc đạt tiêu chí có sản phẩm công nghệ cao/sản phẩm quốc gia trong danh mục hiện hành của Bộ KH&CN.

Tuy nhiên, vị trưởng nhóm tỏ ra khá kỳ vọng vào các ưu đãi được hứa hẹn cho nhóm nghiên cứu mạnh. Chẳng hạn, theo Nghị định, nhóm nghiên cứu mạnh sẽ được cơ sở giáo dục đại học cấp kinh phí hoạt động thường xuyên. Điều này với đối với anh là rất mới mẻ vì lâu nay, nhóm của anh "toàn phải submit đề tài dự án lấy kinh phí, hoặc submit học bổng cho nhân sự" để có nguồn tài chính duy trì hoạt động thường xuyên.

Đọc thêm: