Ở nước ngoài, có tiền mới có nhóm nghiên cứu, còn ở Việt Nam, nhiều nhóm nghiên cứu vẫn “tung cánh” dù không có tiền. Những nhà nghiên cứu nào vượt qua được thử thách này đều nên lấy làm tự hào và họ xứng đáng được phong “anh hùng”.

Đó là nhận định của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội), người vừa chủ trì một khảo sát về thực trạng các nhóm nghiên cứu trong trường đại học Việt Nam.

Ba cây chụm lại

Năm 2017, nhóm nghiên cứu (NNC) iSensors chuyên về cảm biến của GS. TS Nguyễn Văn Hiếu (lúc đó là Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu ITIMS, ĐH Bách khoa Hà Nội) trở thành một trong ba NNC mạnh trong cả nước có đề xuất được Quỹ Nafosted phê duyệt tài trợ trong 4 năm. iSensors có lẽ là một trường hợp điển hình “không có tiền vẫn tung cánh”. Năm 2004, về nước sau những năm du học, TS Hiếu quyết định ưu tiên cho việc xây dựng NNC và phát triển các thiết bị đo đạc phù hợp với mục đích nghiên cứu của mình, dù kinh phí đầu tư cho các đề tài khoa học còn hạn chế. Nhóm từng gặp không ít khó khăn khi muốn duy trì và nâng cấp trang thiết bị cho các nghiên cứu chuyên sâu, nhưng cuối cùng nhóm đã “xây dựng được một phòng thí nghiệm hoàn chỉnh từ tiền làm đề tài”, như anh chia sẻ tại một hội thảo về giáo dục đại học mới đây với tư cách Phó hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa. Bên cạnh đó, để thu hút các nhà nghiên cứu về nước, iSensors luôn chuẩn bị sẵn đề tài và ngân quỹ để bảo đảm thu nhập của họ không quá hụt hẫng so với lúc ở nước ngoài.

Nhóm nghiên cứu Vật liệu và kết cấu tiên tiến - một nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: uet.vnu.edu.vn
Nhóm nghiên cứu Vật liệu và kết cấu tiên tiến - một nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: uet.vnu.edu.vn

Tình trạng thiếu cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính của iSensors cũng là tình trạng chung của các NNC trong trường đại học hiện nay - theo khảo sát và phỏng vấn sâu với thành viên của các NNC ở 40 trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước do GS Nguyễn Đình Đức và các cộng sự tiến hành cuối năm 2018. Cụ thể, khảo sát chỉ ra, thiết bị đầu tư cho các NNC không có, hoặc rất thiếu, hoặc không đồng bộ; kinh phí cho các đề tài khiêm tốn và thường bị cấp chậm; kinh phí hỗ trợ nếu có cũng rất nhỏ, ví dụ trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội hỗ trợ 50 triệu đồng/NNC/năm; trường ĐH Khoa học tự nhiên hỗ trợ khoảng 20-30 triệu đồng/NNC/năm.

Có nhiều quan niệm khác nhau về NNC, nhưng giới học thuật hầu như thống nhất rằng một NNC ít nhất phải hội đủ 3 tiêu chí: Có sự hợp tác nghiên cứu của từ 3 thành viên trở lên theo những hướng nghiên cứu chung; có trưởng nhóm dẫn dắt; và có công bố chung và chia sẻ lợi ích về tài chính hoặc uy tín giữa các thành viên. Việc tham gia vào các NNC được cho là nhu cầu tự thân và tất yếu của các giảng viên: chỉ có 2,2% trong số hơn 200 giảng viên được hỏi trong khảo sát của nhóm GS Đức trả lời không có nhu cầu tham gia NNC. Đánh giá về lợi ích của việc tham gia NNC cũng hết sức đồng nhất: Hơn 90% giảng viên cho biết họ nhận được sự hỗ trợ từ NNC trong các hoạt động chuyên môn của bản thân, được tham gia các đề tài/dự án của nhóm, được tiếp cận các hướng nghiên cứu mới, và có cơ hội tham gia các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế. Chỉ có 15,7% trả lời chưa rõ được lợi ích của việc tham gia NNC.

46,5% số NNC có từ 5-10 thành viên;
32,3% số NNC có trên 10 thành viên;
44,4% số NNC do các GS, PGS dẫn dắt;
60% số nghiên cứu sinh chưa tham gia NNC, lý do chính (74%) là chưa có cơ hội hoặc không tìm được NNC phù hợp (11%).
(Khảo sát với hơn 200 giảng viên và gần 300 nghiên cứu sinh tại 40 trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước của GS.TS Nguyễn Đình Đức và các cộng sự)

Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều chỉ ra NNC có vai trò “hạt nhân” trong việc nâng cao chất lượng và tiềm lực KH&CN cũng như chất lượng đào tạo của các trường đại học. GS Đức còn cho rằng, NNC là mô hình đào tạo mang tính cá thể hóa cao, và từ NNC hoàn toàn có khả năng “hình thành các phòng thí nghiệm mới, khoa mới, bộ môn mới, chương trình mới”. “ĐH Quốc gia có 26 chương trình đào tạo thí điểm không có trong danh mục như Công nghệ nano, An ninh phi truyền thống, Phát triển bền vững, Khoa học dữ liệu... thì tất cả đều được xây dựng trên cơ sở các NNC,” GS Đức nói.

Khoảng trống chính sách

Đóng vai trò quan trọng như vậy, nhưng theo khảo sát của nhóm GS Đức, hiện chưa có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ và giải pháp quyết liệt của cả Nhà nước và đơn vị đào tạo sở tại để hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển các NNC. Khảo sát cũng khẳng định, hiệu quả hoạt động của NNC chịu tác động nhiều nhất từ chính sách hỗ trợ của đơn vị đào tạo sở tại.

Có lẽ chính khoảng trống về chính sách và giải pháp đã góp phần dẫn đến những hạn chế của các NNC trong trường đại học hiện nay như số NNC còn thấp - tính đến năm học 2016-2017, mới có 142/271 trường hình thành được 945 NNC, trong đó riêng ĐH Bách khoa Hà Nội có 129 NNC, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT. Số công bố quốc tế của các NNC cũng khá khiêm tốn: có 37,5% số giảng viên được hỏi chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus; số giảng viên có công bố quốc tế ISI/Scopus trên 5 bài chỉ chiếm 34,2% - khảo sát của nhóm GS Đức cho biết.

Trong khi đó, thẩm quyền của người đứng đầu NNC đối với việc tuyển dụng nhân sự và tạo dựng những dự án mới thì lại bị hạn chế bởi cách quản lý nặng về hành chính. Phụ cấp trách nhiệm cho trưởng NNC cũng không phải là vấn đề dễ thực hiện. Theo PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Hiệu trưởng Đại học Huế, dù muốn, nhưng do các trường thành viên chịu sự quản lý của 2 cấp (của ĐH Huế và của Bộ GD&ĐT) nên “không thể tự tiện trả cho trưởng NNC phụ cấp chức vụ” nếu không qua một quy trình bổ nhiệm đầy phức tạp.

Ở khu vực trường tư, việc ban hành tiêu chí cũng như các quy chế, chính sách đối với NNC dường như linh hoạt hơn. GS Nguyễn Văn Hiếu cho biết, ở ĐH Phenikaa, trưởng NNC có quyền tuyển nghiên cứu sinh, postdoc và đề xuất mức lương hợp lý. Các NNC cũng được cấp kinh phí để xây dựng thiết bị ban đầu. Từ những khó khăn bản thân đã trải qua trong quá trình xây dựng NNC ở trường công, GS Hiếu, trên cương vị người phụ trách KH&CN của ĐH Phenikaa, thấy mình có trách nhiệm “làm ra các điều kiện để các NNC tồn tại và phát triển được”. Tuy nhiên, điều kiện linh hoạt hơn cũng đi đôi với các đòi hỏi cao hơn, GS Hiếu nói.

Đánh giá nhu cầu chính của các NNC hiện nay là có chỗ làm việc và được trang bị thiết bị nghiên cứu đồng bộ, GS Nguyễn Đình Đức đề xuất nên sớm có các tiêu chí công nhận NNC cấp cơ sở giáo dục đại học, cấp quốc gia (NNC mạnh), và cấp quốc tế (trung tâm xuất sắc) để phân loại và đầu tư cho hiện tại, đồng thời quy hoạch cho tương lai. Về hình thức cấp kinh phí cho NNC, GS Đức cho rằng, các NNC đang hết sức cần cơ chế khoán 10, tức khoán chi theo sản phẩm, “để khi cần cử thành viên nào đi hội nghị thì trưởng NNC có thể ký, cần kinh phí để công bố bài báo, trưởng NNC cũng chủ động”, chứ không nhất nhất khoản chi nào cũng phải thông qua các dự toán cứng nhắc.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, lưu ý, việc phát triển các NNC trong trường đại học cần có tính dẫn dắt, có quy hoạch và phải là topdown, chứ không thể ai giỏi gì thì làm nấy, “trăm hoa đua nở và cuối cùng lại trở thành một phong trào hoạt động rất hành chính”.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn phát triển NNC mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm làm rõ tiêu chí của NNC mạnh, tiêu chuẩn trưởng nhóm và hai thành viên chủ chốt bên cạnh trưởng nhóm; chế độ ưu đãi; thủ tục công nhận mới, công nhận lại NNC mạnh. Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến của các cơ sở đào tạo đại học. GS Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, trước đây, mất bao nhiêu năm anh mới gây dựng được NNC mạnh nhưng chưa bao giờ biết rõ tương lai của nhóm sẽ như thế nào, được đầu tư ra sao, bởi vậy, Dự thảo đang mang lại hy vọng rất lớn cho các giảng viên làm nghiên cứu.

Dự thảo hướng dẫn chi tiết đến độ tuổi của trưởng NNC (trong độ tuổi làm quản lý) cùng với hệ số phụ cấp trách nhiệm (0,6 – tương đương hoặc lớn hơn vị trí trưởng khoa). Những thành viên của NNC cũng được quy đổi 120 tiết dạy thành 270 tiết theo định mức và được nghỉ 01 kỳ sau khi giảng dạy 04 kỳ. Những ưu đãi này có thể nói là rất đột phá, nhưng theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ (ĐH Sư phạm Hà Nội), vẫn chưa đủ hấp dẫn, chừng nào quyền tự chủ của trưởng NNC chưa được làm rõ.