Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, cảnh quan nguyên sơ của Nam Cực cũng dần thay đổi.
Khoảng 65% các loài động vật và thực vật bản địa ở Nam Cực – bao gồm cả chim cánh cụt – có thể sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này nếu con người không nỗ lực cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục gia tăng, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Biology vào ngày 22/12.
Chim cánh cụt hoàng đế được xác định là loài động vật dễ bị tổn thương nhất ở Nam Cực. Chúng dựa vào bề mặt băng từ tháng 4 đến tháng 12 để làm tổ cho con nhỏ. Nếu băng tan sớm hơn hoặc đóng băng muộn hơn do nhiệt độ tăng, chim cánh cụt sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành chu kỳ sinh sản của chúng.
“Nam Cực không thực sự góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Bởi vì không có nhiều người sinh sống ở đó nên mối đe dọa lớn nhất đối với Nam Cực đến từ bên ngoài lục địa này”, Jasmine Lee, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Queensland (Úc), cho biết. “Chúng ta cần có những kế hoạch hành động trên quy mô toàn cầu để hạn chế biến đổi khí hậu cũng như gia tăng các nỗ lực bảo tồn trong khu vực Nam Cực, mang đến cho các loài sinh vật bản địa cơ hội tốt nhất để sống sót trong tương lai”.
Nguồn: UPI, CNN
Quốc Hùng - Trịnh Thủy thực hiện