Chi tới 10 tỷ đồng thuê luật sư và chi phí khác nhưng Công ty Busadco chưa ngăn chặn hết các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT). Cho rằng biện pháp xử lý hành chính nhiều bất cập, bà Đỗ Thị Minh Thủy - Thanh tra Bộ KH&CN - đề xuất chuyển dần sang biện pháp dân sự.

10 năm thi hành Luật SHTT

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT được Cục SHTT tổ chức ngày 23/5 tại TPHCM, ông Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco) - cho biết, các quyền SHTT của Busadcođang bị vi phạm với sự gia tăng về quy mô trên cả nước và hình thức hết sức phức tạp.

Ngay sau khi phát hiện 13 đơn vị có hành vi vi phạm, công ty đã phát văn bản cảnh báo, chỉ có 3 đơn vị dừng hành vi đó. Một số đơn vị vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất thương mại, công ty phải nhờ cơ quan chức năng xử lý nhưng đến nay mới chỉ xử lý được 2 đơn vị. Các hành vi vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

Lý giải thực trạng này, ông Thảo cho rằng là do nhận thức về SHTT của nhiều cá nhân, tổ chức còn hạn chế, chế tài xử phạt còn nhẹ, không đủ sức răn đe các hành vi xâm phạm. Các biện pháp xử lý hình sự thì thủ tục tố tụng kéo dài, không giữ được bí mật trong quá trình giải quyết vụ việc. Biện pháp dân sự cũng tốn kém thời gian, chi phí vì thủ tục phức tạp và chủ sở hữu quyền SHTT có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại hội nghị.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - thừa nhận, 10 năm thực hiện Luật SHTT đã đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn khá nhiều bất cập. Đó là hạn chế trong quy định về xác lập quyền sở hữu công nghiệp, văn bằng bảo hộ, thực thi quyền SHTT, dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Đặc biệt, trong công tác tổ chức thi hành Luật, hệ thống văn bản pháp luật về SHTT tương đối cồng kềnh, phức tạp.

Tình trạng để đơn tồn đọng trong nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để và chưa có giải pháp đột phá để cải thiện mạnh mẽ tình trạng này. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong xử lý đơn đăng ký xác lập quyền còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt là xác định giá trị tài sản trí tuệ gây khó khăn, lúng túng cho các đơn vị nhà nước, cơ quan thực thi quyền SHTT, chủ thể quyền.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT.

Cũng theo ông Lâm, hoạt động thực thi quyền SHTT là vấn đề cốt lõi cũng chưa được hiệu quả. Việt Nam vẫn sử dụng biện pháp hành chính là chủ yếu, mức phạt chưa đủ mạnh, năng lực của cơ quan thực thi quyền SHTT còn hạn chế. Việc phân định ranh giới giữa áp dụng biện pháp hành chính và hình sự chưa được xác định rõ ràng, dẫn đến tình trạng có những vụ xâm phạm nghiêm trọng, giá trị đến 500 triệu đồng nhưng vẫn xử phạt hành chính. Trong khi đó, với biện pháp hình sự, giá trị hàng hóa vi phạm 50 triệu đồng cũng có thể bị xử lý hình sự. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, xâm phạm quyền, các chủ thể thường chọn biện pháp hành chính, ngại khởi kiện ra tòa do thủ tục phức tạp, kéo dài, tốn kém…

Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Công Phú - Tòa án nhân dân TPHCM - cho biết, 10 năm qua, chỉ có khoảng 40 vụ xử lý dân sự và 5 vụ án hình sự được đưa ra tòa xét xử. Trong đó 4 vụ phạt tiền, chỉ 1 vụ phạt tù nhưng với mức án thấp. Rất khó có thể thành lập được một tòa án chuyên trách xử lý vi phạm về SHTT như mong muốn của nhiều người.

Việc tổ chức, quản lý hoạt động giám định về SHTT 10 năm qua không được thực hiện, bộ máy quản lý về sở hữu công nghiệp không ổn định, quản lý nhà nước về SHTT vẫn mạnh ai nấy làm… còn là những thực tế đang tồn tại ở địa phương, như ông Võ Hưng Sơn - Sở KH&CN TPHCM - phản ánh.

Cần sửa đổi Luật SHTT

Trước những khó khăn, bất cập trong việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ, theo ông Lâm, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHTT nói chung và Luật SHTT nói riêng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Đặc biệt, cần chú trọng công tác đào tạo kiến thức chuyên môn về bảo hộ, thực thi quyền SHTT cho cán bộ thực thi quyền, doanh nghiệp; chú trọng cải thiện khả năng tự quyết của các cơ quan thực thi hành chính, giảm thiểu sự lệ thuộc vào ý kiến chuyên môn về xâm phạm quyền SHTT từ cơ quan quản lý chuyên môn thông qua đào tạo. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng, mang tính chất quyết định để nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT, theo ông Lâm.

Ông Hoàng Đức Thảo - Tổng giám đốc BUSADCO
Ông Hoàng Đức Thảo - Tổng giám đốc BUSADCO.

Bà Đỗ Thị Minh Thủy - Thanh tra Bộ KH&CN - cho rằng, việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính còn nhiều bất cập nên cần hạn chế, chuyển dần sang biện pháp dân sự. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sửa Luật SHTT và các văn bản pháp lý liên quan, đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong hoạt động thực thi và giải quyết tranh chấp quyền SHTT. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi với tòa án và Cục SHTT, tăng cường trao đổi chuyên môn giữa các cơ quan thực thi…

Ông Hoàng Đức Thảo thì mong muốn các cơ quan chức năng quyết liệt, nhanh chóng xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHTT để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, tránh tình trạng các đơn vị xâm phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật, cố tình dây dưa kéo dài vụ việc nhằm thu lợi nhuận. Bên cạnh đó, Cục SHTT cần hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp phòng ngừa các hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu.

Ông Thân Thế Hào – Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong - thì cho rằng, các doanh nghiệp, nhà sáng tạo cần tự bảo vệ trước khi pháp luật bảo vệ cho mình. Đó là ngay từ khi có ý tưởng đến thiết kế, chế tạo, cần suy nghĩ kỹ để hạn chế tối đa việc bị vi phạm quyền SHTT khi sản phẩm được đưa ra thị trường. Nên đăng ký bảo hộ độc quyền sớm khi kỹ thuật đã được kiểm chứng về lý thuyết. Nếu đợi khi sáng chế được đưa vào thị trường mới đăng ký bảo hộ thì sẽ mất đi tính mới và cơ hội nhận bằng độc quyền, như kinh nghiệm của bản thân ông Hào.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh đánh giá, Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ; khuyến khích cạnh tranh lành manh, thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ. Luật SHTT thực sự là công cụ pháp lý quan trọng của nước ta trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia trước sức ép của các cường quốc trong quá trình nhập.

Việc tổng kết, đánh giá lại những bất cập, hạn chế sau 10 năm thi hành Luật SHTT là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển SHTT và sửa đổi Luật SHTT cho phù hợp với thực tiễn trong nước và quốc tế. Theo Thứ trưởng, có một số việc cần thực hiện trong thời gian tới như sửa đổi Luật SHTT như thế nào để phù hợp, thuận lợi cho người thụ hưởng là những nhà sáng tạo, khoa học, doanh nghiệp; xem xét lại những quy định trong Luật SHTT như xác lập quyền, thực thi, bảo hộ quyền SHTT, giám định về SHTT, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ...