Trước khi nhờ tới sự giúp đỡ của cơ quan có thẩm quyền, các chủ sở hữu tài sản trí tuệ cần có ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Đó là quan điểm nhận được sự đồng thuận cao tại buổi tọa đàm “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong môi trường thương mại điện tử” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức mới đây.

Khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm

Theo thông tin từ buổi tọa đàm, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang có quy mô khoảng 4 tỷ USD. Khả năng phủ sóng viễn thông rộng cùng sự phổ biến của điện thoại thông minh (với tỷ lệ người dùng lên tới hơn 70%, vùng nông thôn hơn 50%) đã góp phần đẩy tốc độ tăng trưởng của thị trường này lên tới 22% mỗi năm. Ước tính trong vòng 5 năm tới, giá trị thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD. Ngoài các trang web bán hàng, TMĐT đang phát triển trên các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Zalo và hình thành nhiều “chợ” buôn bán online sôi động.

Bên cạnh những tiện ích từ môi trường số khiến hoạt động TMĐT ngày càng sôi nổi, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận định, môi trường kinh doanh này cũng cho thấy nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thực thi quyền SHTT.

Chưa thể đưa ra con số cụ thể nhưng bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN - khẳng định: “Số vi phạm rất nhiều”. Về nguyên nhân, luật sư Lê Xuân Lộc - Giám đốc SHTT của Công ty luật TNHH T&G - nói: “Vi phạm SHTT trong môi trường TMĐT ở những nước đang phát triển như Việt Nam ngày càng phổ biến bởi sự phổ cập Internet và môi trường điện tử ngang với các nước tiên tiến, trong khi khung pháp luật để hạn chế và xử lý vi phạm còn nhiều bất cập. Do đó, hiện tượng này vẫn sẽ tiếp tục phổ biến trong thời gian tới”.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng (ngồi giữa) điều hành tọa đàm “Thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử”. Ảnh: Anh Tuấn

Khó xử lý vi phạm cũng là nguyên nhân khiến hiện tượng này ngày càng nhức nhối. Bà Quỳnh chia sẻ: “Việc xác định tổ chức, cá nhân vi phạm không dễ do họ đăng ký thông tin trên mạng, nhưng khi cơ quan chức năng tìm đến thì không có, hoặc đã chuyển đi chỗ khác. Có không ít trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường TMĐT nhưng không có hiện diện thương mại ở Việt Nam (ở nước ngoài nhưng đăng ký tên miền .vn ở Việt Nam và không hoạt động kinh doanh gì ở Việt Nam - PV)”.

Xác định hành vi vi phạm cũng là một thách thức. Chẳng hạn, qua hình ảnh đưa lên mạng, cơ quan có thẩm quyền cho rằng đây là hàng giả, nhưng khi đến kiểm tra thì người bán hàng trưng hàng thật. Việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm (để xác định mức phạt, mức bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền SHTT) cũng không dễ dàng. Người vi phạm có thể có cả kho hàng nhưng khi cơ quan chức năng tiếp cận thì họ đã kịp tẩu tán, chỉ trưng ra 1-2 sản phẩm. “Ngoài ra, còn một vấn đề rất lớn nữa là kinh nghiệm của tổ chức có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn hạn chế” - bà Quỳnh nói.

Chủ sở hữu cần chủ động hơn

Bàn giải pháp khắc phục nạn xâm phạm quyền SHTT trong TMĐT, cả phía quản lý nhà nước lẫn luật sư đều thống nhất rằng doanh nghiệp nên biết cách tự bảo vệ trước khi nhờ tới sự giúp đỡ của cơ quan chức năng. “Trước thách thức này, chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ cần chủ động hơn, cung cấp nhiều thông tin hơn cho người dùng” - luật sư Lộc nói.

Ông cho rằng, các quốc gia đi trước về TMĐT cũng gặp thách thức tương tự. Tuy nhiên, chúng ta không cần xây dựng lại khung pháp lý cho môi trường số mà nên áp dụng linh hoạt các quy định sẵn có, ví dụ như quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của nhà cung cấp Internet trung gian...

Ở khía cạnh nhà quản lý, ông Lê Ngọc Lâm nêu giải pháp: “Sắp tới, phải đưa quy định về xử lý vi phạm quyền SHTT trên môi trường số vào Luật SHTT sửa đổi và các quy định liên quan trong luật khác như quy định về giao dịch thương mại điện tử... Cần xác định trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ mạng như sàn giao dịch trực tuyến. Họ có nghĩa vụ tháo gỡ, loại bỏ yếu tố vi phạm trên web nếu việc vi phạm được xác định. Các cơ quan thực thi, tòa án cần quy định cam kết, chế tài cho nơi cung cấp dịch vụ”.

Người tiêu dùng cũng cần nâng cao trách nhiệm trong lĩnh vực này, cần có kiến thức đảm bảo chính xác quyền của mình. “Nếu phát hiện hành vi dẫn tới xâm phạm, phải nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng và chủ sở hữu” - ông Lâm góp ý thêm.