Đó là chia sẻ của ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - với Khoa học và Phát triển trong việc phát huy vai tra SHTT là công cụ hữu hiệu phát triển kinh tế, xã hội.
Theo đánh giá của ông, trong những năm gần đây, lĩnh vực SHTT đã phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế như thế nào?
SHTT là công cụ tạo môi trường pháp lý hữu hiệu để bảo vệ thành quả sáng tạo của tổ chức và cá nhân, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Gần đây, SHTT đã được phổ biến sâu rộng đến nhiều giới, nhiều ngành và thực tế đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất, kinh doanh. Sau hàng loạt vụ tranh chấp các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc đăng ký quyền SHCN.
Những năm gần đây, số đơn đăng ký quyền SHCN của các tổ chức và cá nhân trong nước tăng trên 10%, riêng năm 2016 tăng gần 15%. Các đối tượng quyền SHCN cũng được doanh nghiệp chú trọng khai thác thương mại, đem lại nhiều nguồn lợi như vị thế độc quyền, lợi thế cạnh tranh, tài chính...
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Loan Lê
Các doanh nghiệp KH&CN khai thác sáng chế, nhãn hiệu độc quyền; các tổ chức sản xuất ở địa phương khai thác chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và bán được sản phẩm với giá cao hơn như cam Cao Phong, hồi Lạng Sơn...
Thưa ông, Cục SHTT có giải pháp gì để lĩnh vực SHTT phát huy tốt hơn vai trò của mình, đồng thời vươn lên nhóm dẫn đầu ASEAN?
Trước hết, cục tập trung tuyên truyền, đào tạo để công chúng hiểu rõ giá trị của SHTT trong đời sống, xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo hộ, bảo vệ quyền SHTT để khích lệ các viện, trường, doanh nghiệp và cá nhân tạo nhiều tài sản trí tuệ, đặc biệt là sáng chế. Cục cũng sẽ nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng nhu cầu đăng ký quyền SHCN ngày càng cao; phát triển mạnh các ứng dụng CNTT để từng bước tự động hóa các thao tác chuyên môn, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng xử lý đơn. Cục sẽ xây dựng các công cụ cung cấp thông tin SHCN phục vụ công chúng, đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan thực thi bảo vệ quyền SHTT để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Vươn lên nhóm dẫn đầu ASEAN về SHTT là thách thức lớn đối với cục trong điều kiện hiện tại. Một số giải pháp được đề xuất: Rà soát, sửa đổi Luật SHTT để đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại của đất nước và của các hiệp định thương mại tự do, hài hòa với các quy định về SHTT thế giới; đẩy mạnh CNTT trong xử lý đơn; rà soát, sửa đổi các quy chế thẩm định đơn; đẩy mạnh đào tạo kiến thức, nghiệp vụ SHCN cho các viện, trường, doanh nghiệp; tăng cường phối hợp với các cơ quan thực thi quyền SHTT.
Việt Nam đang tham gia và đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại liên quan đến SHTT. Theo ông, điều này đặt ra yêu cầu gì đối với việc tạo ra tài sản trí tuệ ở Việt Nam?
Các hiệp định thương mại tự do khiến chúng ta phải cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại trên sân nhà. Ngoài việc không ngừng cải tiến sản phẩm, cần lưu ý rằng tài sản trí tuệ có giá trị hôm nay có thể suy giảm ngày mai, khi xuất hiện giải pháp mới hữu hiệu hơn.
Vì vậy, phải tạo ra tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu, có sức hút đối với thị trường và đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại mới đảm bảo khả năng thương mại hóa. Ngoài ra, hoạt động ĐMST phải được duy trì thường xuyên để không ngừng bổ sung “chất xám” cho sản phẩm. Và lúc này SHTT sẽ phát huy vai trò đảm bảo môi trường pháp lý bảo vệ thành quả sáng tạo đó, giúp các nhà sáng tạo thu lợi từ họat động sáng tạo. Kết quả là họat động SHTT được thúc đẩy một cách tương hỗ.
Để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về SHTT, tận dụng lợi thế của SHTT nhằm nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, Bộ KH&CN đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý về SHTT. Mới đây bộ và Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã ký kết hợp tác xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT.
Các chuyên gia WIPO sẽ phối hợp với chuyên gia trong nước khảo sát thực trạng SHTT tại Việt Nam, thảo luận xây dựng các định hướng của chiến lược, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ trong năm 2017. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu trong việc phát triển hệ thống thực thi quyền SHTT ở Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!