Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc VKIST, Viện KH&CN Hàn Quốc KIST và Công ty Cổ phần Traphaco đã đạt được một số kết quả mới, có thể xem xét ứng dụng vào thực tiễn để đưa cây đinh lăng trở thành cây dược liệu có giá trị cao, phục vụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong tương lai.

Thông tin trên được PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST, đưa ra tại hội thảo “Đa dạng hóa sản phẩm từ đinh lăng - Cơ hội và thách thức” do VKIST phối hợp với Traphaco tổ chức vào ngày 23/8 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tại đây, đại diện nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần Traphaco, ThS. Vũ Hương Thủy, đã đưa ra Bộ dấu vân tay đinh lăng lá nhỏ mà dựa vào đó có thể xác định chỉ tiêu chất lượng dược liệu từ đinh lăng, làm cơ sở cho việc kiểm soát chất lượng cao đặc đinh lăng, tránh tình trạng trộn các thành phần khác của cây đinh lăng.

Một khu vườn đinh lăng ở xóm 12 xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định được Công ty CP Traphaco hướng dẫn sản xuất theo quy trình GACP - WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới).   Nguồn: danviet.vn
Một khu vườn đinh lăng ở xóm 12 xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định được Công ty CP Traphaco hướng dẫn sản xuất theo quy trình GACP - WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới). Nguồn: danviet.vn

ThS. Vũ Hương Thủy cho biết, việc thu hái hiện chỉ tập trung vào rễ và củ cây đinh lăng, trong khi quá trình nuôi trồng kéo dài lên tới bốn năm, gây lãng phí nguyên liệu lớn. Để khai thác và sử dụng thân cây đinh lăng hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã xây dựng tiêu chuẩn theo các hướng dẫn của Dược điển Việt Nam 5, Dược điển châu Âu về xây dựng tiêu chuẩn dược liệu và các chế phẩm dược liệu. Các kết quả định tính sơ bộ bằng phản ứng hóa học và sắc ký lớp mỏng cho thấy không có nhiều khác biệt giữa mẫu rễ và thân.

Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco, cho biết, hiện Traphaco đã xây dựng và phát triển vùng trồng đinh lăng tại nhiều địa phương như: Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, và Đắk Lắk... Trong đó, vùng trồng tại huyện Hải Hậu và huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) được đánh giá là lý tưởng nhờ vào đất đai màu mỡ, không bị ô nhiễm, và có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của cây đinh lăng.