Cơ khí hóa nghề thủ công
Tiếng máy nghiền nguyên liệu, tiếng động cơ máy làm hương và mùi thảo dược ấm áp tỏa khắp Cao Thôn - làng sản xuất hương xạ thuốc bắc lớn nhất miền Bắc. Trời nắng, khắp các sân, ngõ đến đường làng dẫn ra tận cánh đồng đều ngập sắc vàng, đỏ của những nén hương đang phơi. Những nén hương đều tăm tắp, trăm que như một.
“Khoảng 5 năm nay, chúng tôi dùng máy trong các khâu nghiền nguyên liệu, ra quả, ra nén để giảm sức người, tăng năng suất và bảo đảm mẫu mã. Hương làm bằng máy đẹp và đều hơn. Về độ to, nhỏ của nén hương, chỉ cần chỉnh khuôn máy. Riêng khâu pha thuốc và ra sợi của hương vòng là phải làm bằng tay” - bà Nguyễn Thị Duyên, thợ làm hương lâu năm tại cơ sở Thế Hưng - cho biết.
Bà Đoàn Thị Hanh - chủ cơ sở hương Đại Đức - cho biết với những chiếc máy có giá 30 triệu đồng kể trên, mỗi người có thể sản xuất 30.000 nén hương một ngày, so với con số 7.000-8.000 nén nếu làm bằng tay.
Phơi hương tại một gia đình ở Cao Thôn. Ảnh: N.Hùng
Người già trong làng cho biết, làm hương thủ công đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế chỉ có được sau nhiều năm thực hành. Người thợ khi dùng bàn tay gỗ xoa trên mặt bàn để xe hương phải tính đúng độ dốc để cho nén hương rơi đều trên mẹt. Bằng cảm giác của đôi tay, họ phải xe được những nén hương thật tròn và đều. Máy móc khiến những người hoài cổ không còn được chiêm ngưỡng hình ảnh nên thơ của người thợ xe hương, nhưng đem lại sức sống, vẻ trù phú chỉ có ở những ngôi làng no ấm.
Quảng bá bằng công nghệ
Ông Đào Đức Cơ - một người làm hương ở Cao Thôn - chia sẻ: “Lớp trẻ của làng có nhiều cái hay so với các thế hệ trước như biết sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, biết kết nối cộng đồng để tăng hiệu quả kinh tế thay vì giấu giếm nghề như trước đây. Đơn thuốc thì vẫn riêng - mỗi gia đình có một công thức với tỷ lệ hương liệu đặc thù chỉ lưu truyền trong họ tộc, nhưng quy trình sản xuất, nâng cấp sản phẩm, mở rộng thị trường thì đã có sự chia sẻ”.
Ông Nguyễn Như Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Cao Thôn - cho biết, mỗi gia đình có nhãn hiệu và bao bì đóng gói riêng, ghi rõ xuất xứ và địa chỉ như một sự đảm bảo về chất lượng, uy tín.
“Năm 2004, Cao Thôn được Hiệp hội Làng nghề truyền thống Việt Nam công nhận là làng nghề truyền thống. Khác với những làng nghề khác, mỗi gia đình ở đây xây dựng thương hiệu riêng cho nén hương nhà mình. Năm 2008, một số cơ sở đã xây dựng một chương trình xuất khẩu hương bằng cách đầu tư về mẫu mã, thương hiệu và kiểm định về chất lượng để xuất khẩu sang các nước theo đạo Phật như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...” - ông Khanh cho biết.
Tận dụng khoa học hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của cây hương, đồng thời giữ gìn những giá trị cổ truyền của sản phẩm là điều mà các nghệ nhân trong làng nghề đã mấy trăm năm sản xuất hương xạ thuốc bắc này dặn dò con cháu.
“Tôi dặn các cháu phải luôn tâm niệm, nén hương là phương tiện kết nối tâm linh nên trong sản xuất phải thật tâm, dùng 100% nguyên liệu thuốc bắc tự nhiên. Việc đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại là để bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống” - ông Cơ tâm sự.
>>
Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh