Đây là nguồn tư liệu quý giá không chỉ đối với các học giả nghiên cứu trong nước và quốc tế về vùng Biển Đông mà còn là minh chứng khoa học có giá trị, góp phần thực thi chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bằng phương pháp bồi nền, gia cố hai mặt bản đồ bằng giấy dó Nhật Bản và giấy dó Việt Nam, nhóm đã phục chế 415 bản đồ biển Việt Nam và Biển Đông xuất bản năm 1831-1948. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện đã số hoá 739 bản đồ và lưu trữ dưới định dạng PDF và PNG có độ phân giải 300 dpi, sắc nét và không sai lệch về mặt thông tin với bản đồ gốc. Trong đó, mã QR đã được tạo ra cho 52 bản đồ để phục vụ cho phòng chuyên đề. Nhóm còn tạo lập cơ sở dữ liệu Excel của 2.224 tờ bản đồ (của 739 bản đồ) với 25 trường thông tin (tên bản đồ, năm xuất bản, nơi xuất bản, tỷ lệ, hệ tọa độ, loại bản đồ địa chất hay độ sâu, tủ lưu trữ, thông tin ghi trên bản đồ ...).
Đặc biệt, sự ra mắt khu trưng bày “Hiện diện trên Biển Đông” tại Bảo tàng Hải dương học bao gồm 18 bản đồ theo chủ đề chính: Dấu ấn Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam trong tư liệu cổ, Hành trình thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, Biển đảo với kinh tế - xã hội, đã góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền về chủ quyền biển và hải đảo của Việt Nam ở Biển Đông.