Từ năm nay, Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF thuộc Viện VinBigdata dự định triển khai chương trình tài trợ các dự án và hội thảo về văn hóa, lịch sử - TS Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Quỹ, cho biết.

Để chuẩn bị cho chương trình này, mới đây, Quỹ VINIF đã tổ chức hội thảo Sách Khoa học và Cuộc sống như một dịp “để các nhà khoa học, nhà văn hóa, nghệ sỹ cùng tham gia thảo luận, trả lời câu hỏi: Làm thế nào để bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và phát huy văn hóa đọc”, TS Hà Dương chia sẻ.

TS Phan Thị Hà Dương chia sẻ về dự định triển khai chương trình tài trợ các dự án và hội thảo về văn hóa, lịch sử của Quỹ VINIF. Ảnh: VINIF

Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng Công ty Sách Alpha Books, cho biết ông đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch, trong đó bao gồm việc hình thành những tuyến đường gắn với văn hóa, lịch sử. Ông dẫn ra câu chuyện về dải đường dài hơn 4km băng qua giữa đô thị cổ kính mà người ta vẫn gọi là Đường mòn Tự do (Freedom Trail) ở Boston (Mỹ). Mỗi năm, hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến Boston và lần theo dải gạch đỏ nối các con đường để lắng nghe những câu chuyện đầy vinh quang của quá khứ hàng trăm năm trước.

“Chúng ta có phố đi bộ, nhưng chúng ta không gắn kết nó thành một câu chuyện, hay gắn liền với những huyền thoại của dân tộc”, ông Bình nhận định. Chính vì vậy, ông mong muốn thành lập một câu lạc bộ với sự tham gia của các nhà khoa học và văn nghệ sỹ để cùng nhau đưa ra những ý tưởng mang di sản văn hóa đến gần với mọi người hơn.

Bên cạnh đó, ông Bình ấp ủ ý tưởng về một không gian đọc cho trẻ em tại công viên Thống Nhất. Tuy nhiên, ý tưởng này cần có sự hỗ trợ của thành phố chứ tư nhân không thể đơn độc làm, bởi “chúng ta rất khó để có địa điểm tổ chức”. Vì vậy, ông dự định đề xuất thành phố giao cho một đơn vị nào đó khoảng 3.000 mét vuông đất giữa công viên Thống Nhất nhằm xây dựng một không gian đọc mở.

Còn PGS.TS Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) gợi ý VINIF có thể xem xét hướng xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành nhân văn. “Cơ sở dữ liệu rất quan trọng đối với các nhà nghiên cứu thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trong nhiều năm qua, tôi là người sử dụng các cơ sở dữ liệu lớn để nghiên cứu, thế nhưng đó chủ yếu là các cơ sở nước ngoài, vẫn chưa có cơ sở dữ liệu nào của Việt Nam.”

PGS.TS Trần Trọng Dương bàn luận về vấn đề cơ sở dữ liệu. Ảnh: VINIF

Cụ thể, PGS Trần Trọng Dương chia sẻ anh thường tra cứu bằng bộ Tứ khố toàn thư, do 5.000 công nhân và 400 giáo sư đầu ngành của Trung Quốc tham gia số hóa. “Chỉ cần tra từ ‘An Nam’ hoặc ‘Việt Nam’ thì kết quả trả về là toàn bộ sử liệu của Việt Nam trong quá khứ được ghi chép trong lịch sử Trung Hoa”, anh cho biết.

Bên cạnh đó, anh còn tra cứu bằng Persee, trang scan toàn bộ các cuốn sách cổ, tạp chí cổ của Pháp. Những nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm văn bản gốc được scan bằng các từ khóa tìm kiếm một cách dễ dàng nhờ phần mềm nhận diện văn tự. Với nguyên tắc khai thác về mặt sử liệu phải sử dụng những thông tin gốc bằng tiếng nguyên bản, những thư viện số như trên giúp cho người nghiên cứu tiếp cận những thông tin chuẩn nhất, nguyên khối nhất trong thời gian ngắn nhất. Dù thư viện của Trung Quốc và Pháp có cách lưu trữ khác nhau (lưu trữ dạng text và lưu trữ dạng văn bản) nhưng nhìn chung đều giúp nhà khoa học tra cứu dễ dàng hơn.

“Chúng tôi được thừa hưởng sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, đó là một lợi thế lớn”, anh cho biết. Anh gợi ý VINIF có thể tập trung nghiên cứu nhân văn số thức (một lĩnh vực giao thoa giữa ngành khoa học máy tính và các ngành khoa học xã hội và nhân văn), từ đó xây dựng một cơ sở dữ liệu riêng cho Việt Nam.

Lắng nghe và ghi nhận các gợi ý, đề xuất của các diễn giả, GS. Vũ Hà Văn (Giám đốc khoa học Viện VinBigdata) bày tỏ hy vọng sẽ sớm triển khai được một số dự án ngay trong năm nay.