Báo cáo Tài chính cho ngành nước năm 2022 của UNICEF cho thấy, đến năm 2022, cả nước chỉ có 52% dân số được sử dụng nước sạch, tương đương với nước máy. Hiện trạng này khiến mục tiêu đặt ra đến 2025 (95 - 100% người dân thành thị và 93 – 95% người dân nông thôn có nước sạch để dùng) khó đạt được.

Theo ước tính của báo cáo này, tổng cộng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững về nước sạch và vệ sinh môi trường được quản lý an toàn (100% dân số được dùng nước sạch 24 giờ mỗi ngày tại nhà, với chất lượng được giám sát và đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO, cũng như xử lý nước thải và phân bùn bể phốt an toàn), Việt Nam cần 34,9 tỷ USD (tương đương 13% GDP của Việt Nam vào năm 2020), bao gồm 18,6 tỷ USD cho cấp nước và 13,5 tỷ USD cho vệ sinh môi trường cũng như duy tu bảo dưỡng những công trình đã được đầu tư.

Trong khi đó, một phân tích từ báo cáo khác vào năm 2020 cũng của UNICEF cho thấy, tổng chi cho các hoạt động cơ bản liên quan đến nước sạch và vệ sinh lại giảm sút, từ 2,016 tỷ USD năm 2016 xuống còn 1,397 tỷ USD năm 2018. Trong cùng kỳ, tổng chi về nước sạch và vệ sinh bình quân đầu người (từ tất cả các nguồn) đã giảm từ 495.308 đồng/người (21,3 USD/người) xuống còn 334.385 USD/người (14,4 USD/người). Nhìn chung, tổng chi cho nước sạch và vệ sinh đã giảm từ 1% năm 2016 xuống còn 0,68% năm 2017 và 0,56% GDP năm 2018. Việc thiếu các tiêu chí và mục tiêu cụ thể để phân bổ ngân sách nước sạch và vệ sinh được cho là một thách thức chính trong việc duy trì nguồn vốn cho nước sạch và vệ sinh. Từ năm 2016, nguồn vốn cho nước sạch và vệ sinh đã được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, chưa có tiêu chí và mục tiêu cụ thể để phân bổ ngân sách cho nước sạch và vệ sinh trong các chương trình này, chứ chưa nói đến tiêu chí để phân bổ công bằng.