Ngày 23/2, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT (Bộ TT&TT), thị trường công nghệ thế giới đang có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nghĩa phân tích, thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam trong năm 2022 có dung lượng xấp xỉ 2 tỷ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có hơn 40.000 doanh nghiệp và 550.000 kỹ sư. Chính vì vậy, thị trường trong nước đã quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại. Bài học của các thương hiệu lớn về CNTT như Viettel, hay FPT đã chứng minh có nhiều cách để doanh nghiệp tiến ra nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hiện còn khoảng 49% dân số thế giới, tức gần 4 tỷ người chưa được kết nối internet. Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm đóng góp trong việc thu hẹp khoảng cách số, xây dựng tương lai số bền vững, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đối với doanh nghiệp Việt. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đã đến lúc, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn mới của lịch sử phát triển, khai phá, mở ra không gian mới, mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn cho biết trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài, hoặc đi ra nước ngoài. Bộ cùng với các cơ quan liên quan sẽ mở đường, các doanh nghiệp đã đi ra nước ngoài thành công sẽ hỗ trợ, đưa các doanh nghiệp khác cùng đi.

Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ TT&TT đã thành lập và ra mắt Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài.