Theo thông tin từ Viện Hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu, PGS-TS Trần Xuân Bách, giảng viên tại Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, vừa được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy - GYA).
PGS-TS Trần Xuân Bách. Ảnh: Dân trí
Đây là nhà khoa học thứ hai của Việt Nam được bầu vào GYA. Trước đó, năm 2017,
TS Trần Quang Huy, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, là nhà khoa học trẻ đầu tiên của Việt Nam được bầu vào GYA.
Trao đổi với Khoa học và Phát triển, TS Trần Quang Huy, Nguyên Chủ tịch
Viện Hàn lâm trẻ Việt Namnăm 2017, cho biết, năm nay có 401 hồ sơ từ 95 quốc gia, Việt Nam có 3 hồ sơ. Trải qua 5 vòng xét tuyển, có 45 nhà khoa học từ 31 quốc gia được lựa chọn, trong đó có PGS-TS Trần Xuân Bách.
Theo Tạp chí Y học thực hành, PGS.TS Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, hiện là giảng viên tại Trường Đại học Y Hà Nội. Anh là phó giáo sư trẻ nhất năm 2016.
PGS.TS Trần Xuân Bách đã xuất bản hơn 60 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong hệ thống phân loại ISI.
Năm 2015, Trần Xuân Bách được Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins (Mỹ) trao giải thưởng Nghiên cứu quốc tế về lâm sàng và dự phòng. Sau đó, anh trở thành Phó giáo sư dự khuyết (Assistant Professor) kiêm nhiệm tại ngôi trường hàng đầu thế giới về y tế công cộng này.
Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) hướng đến mục tiêu trở thành tiếng nói của các nhà khoa học trẻ trên toàn thế giới. Đây là tổ chức kết nối các nhà nghiên cứu trẻ, tài năng và trao quyền cho họ dẫn dắt các cuộc đối thoại quốc tế, liên ngành và liên thế hệ về những vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu.
Tính đến năm 2014, GYA đã đạt số lượng thành viên tối đa là 200 người. Các nhà khoa học trẻ thường có độ tuổi từ 30 đến 40, đã nhận bằng tiến sĩ từ 3-10 năm. Các thành viên được lựa chọn bởi thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học và họ sẽ phục vụ nhiệm kỳ 5 năm. Tính đến năm 2017, GYA có 171 cựu thành viên, bên cạnh 200 thành viên đang trong nhiệm kỳ, đại diện cho 77 quốc gia.
Mọi thành viên đều được kỳ vọng đóng góp tích cực cho các mục tiêu và hoạt động của GYA, ví dụ: tham gia phát triển chính sách khoa học quốc tế, thúc đẩy việc thành lập các Viện Hàn lâm trẻ Quốc gia (NYA), hỗ trợ giáo dục khoa học ở cấp độ quốc tế...
Các thành viên GYA gặp nhau ít nhất một lần mỗi năm tại Hội nghị Chung Thường niên. Ngoài ra, còn có các gặp gỡ riêng theo chủ đề mà những người có chuyên môn liên quan nhất đều có thể tham gia.
|
Đ. Dung - Q.Hùng