Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam được thành lập tháng 11/2014, là cầu nối cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc của Việt Nam đang làm việc trong và ngoài nước, hỗ trợ họ phát huy năng lực, phát triển chuyên môn, tạo điều kiện tối đa cho họ có đóng góp thiết thực cho đất nước.

Bày tỏ cảm giác hào hứng với thông tin Việt Nam có đại diện duy nhất được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy - GYA) năm 2017 được nêu trong bài chân dung “Tiến sỹ (TS) Trần Quang Huy và 3 người thầy vô hình” trên Khoa học và Phát triển số 931, độc giả Lý Văn Hải (Hà Nội) muốn biết rõ hơn về Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy - VYA) mà TS Huy đang là chủ tịch, đặc biệt là tiêu chí lựa chọn thành viên của viện.

Ban cố vấn và những thành viên sáng lập VYA tại Hạ Long ngày 5/11/2014. Ảnh: VYA

Giải đáp thắc mắc này, TS Trần Quang Huy cho biết, VYA được thành lập tháng 11/2014 bên lề hội nghị quốc tế về khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano (IWAMSN) tại Hạ Long.


Viện ra đời từ ý tưởng và sự thúc đẩy của Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh - Đại học London, Anh, một trong các thành viên sáng lập GYA - cùng sự ủng hộ của các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

VYA là một tổ chức học thuật, là cầu nối cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc của Việt Nam đang làm việc trong và ngoài nước, hỗ trợ họ phát huy năng lực, phát triển chuyên môn, tạo điều kiện tối đa cho họ có đóng góp thiết thực cho đất nước.

VYA hoạt động dựa trên sự tình nguyện và cam kết của các thành viên, với số lượng không quá 120 người được bầu chọn hằng năm. Ứng viên phải là những người đã hoàn thành luận án tiến sỹ dưới 15 năm, có thành tích xuất sắc về học thuật và sức ảnh hưởng tới cộng đồng. Nhiệm kỳ của mỗi thành viên VYA là 1 năm và có thể kéo dài 4 năm tiếp theo.

Chủ tịch và ban điều hành được bầu chọn hằng năm. Ngoài ra, VYA còn có ban cố vấn gồm các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam. Những người nằm ngoài tiêu chuẩn thành viên của VYA hoặc đang chờ nộp đơn có thể tham gia mạng lưới VYA với tư cách bạn (friends).

Ngay từ khi thành lập, VYA đã trở thành đối tác của GYA và mạng lưới các Viện Hàn lâm trẻ Đông Nam Á và Châu Á. Những nhà khoa học trẻ Việt Nam phải trở thành thành viên và được sự giới thiệu của VYA nếu muốn tham gia các chương trình khoa học, nhận tài trợ, học bổng hay khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo được tổ chức bởi GYA hay mạng lưới các Viện Hàn lâm trẻ Đông Nam Á, Châu Á và thế giới. Hằng tháng, VYA xuất bản tờ tin tức nhằm cung cấp thông tin về hoạt động của viện cũng như các chương trình tài trợ nghiên cứu, xin học bổng, cơ hội du học hay các hội nghị/hội thảo liên quan.

Hiện có khoảng 130.000 người Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Ở trong nước, mỗi năm cũng có hàng nghìn nghiên cứu sinh. “Đây chính là lực lượng lao động tiềm năng trong một nền kinh tế tri thức. Giai đoạn này là thời điểm thích hợp để thiết lập một cơ sở mang tính cộng đồng nhằm kết nối lực lượng này, giúp các nhà khoa học, đặc biệt là trí thức trẻ phát huy tối đa trí tuệ và sức sáng tạo của mình” - TS Huy nói.