Bước qua ranh giới của chính mình
Tiếp tôi tại phòng thí nghiệm Siêu cấu trúc nằm trong dãy nhà cổ kính kiểu Pháp của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, TS Trần Quang Huy khoe: “Ngày mai tôi phải bay sang Scotland dự hội nghị của Viện Hàm lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy - GYA). Đây là lần thứ ba tôi nộp đơn ứng tuyển vào tổ chức này với sự động viên rất lớn của Giáo sư (GS) Nguyễn Thị Kim Thanh - Đại học London, sau 2 lần thất bại vào năm 2013 và 2014”.
TS Huy là đại diện duy nhất của Việt Nam được bầu vào GYA năm 2017, cùng 39 người khác được bầu từ 270 ứng viên thuộc 83 quốc gia. Để được chọn, ngoài thành tựu nghiên cứu, nhà khoa học phải có đóng góp xã hội cho sự phát triển khoa học nước mình. Với TS Huy, đó là việc hỗ trợ các bạn trẻ viết và xuất bản công trình khoa học trên tạp chí, hay mời các nhà khoa học uy tín, người có kinh nghiệm xuất bản công trình công bố quốc tế giảng cho họ cách viết bài báo...
Nhận ra vẻ thắc mắc của tôi về cách thu xếp cả núi việc từ quản lý VYA, nghiên cứu đến hỗ trợ thế hệ trẻ trong quỹ thời gian hữu hạn, TS Huy cười “thú nhận” ông cũng chẳng có cách nào mới mẻ hơn là bớt xén thời gian nghỉ ngơi: “Tôi thường làm việc đến 2h sáng, bởi đó là lúc có thể trao đổi bằng Skype với các nhà khoa học ở các nước khác nhau. Có những hôm tôi viết từ 23h đến 14h hôm sau, liên tục 13 tiếng đồng hồ. Cái giá tôi phải trả là già nhanh hơn”.
Tiến sỹ Trần Quang Huy (ngoài cùng bên trái) thảo luận nhóm với các thành viên GYA tại phiên họp GYA tháng 52017, Aviemore, Scotland. Ảnh: V. Linh
Trò chuyện cùng TS Huy, khó hình dung rằng hơn 20 năm trước, đây là cậu bé nhút nhát, tự ti. Ông tự bạch: “Từ bé, tôi đã là người hướng nội. Cả khi học đại học hay đã đi làm, tôi vẫn luôn sống khép kín, ít giao lưu. Năm 2003, tôi thấy cơ thể suy nhược nhưng đi khám mãi không tìm ra bệnh. Trí nhớ sa sút nghiêm trọng, lại hay suy nghĩ vẩn vơ. Mọi người bảo do tôi ít ngủ nên thế, nhưng sau tôi nhận ra mình bị trầm cảm và xác định không ai có thể cứu được mình ngoài chính mình”.
Cách tự chữa trầm cảm của TS Huy là thiền, cố gắng tĩnh tâm, “cho mọi thứ về hư vô” trước khi đi ngủ. Ông mất hơn một năm để trở về trạng thái cân bằng và trúng tuyển khóa học 4 tuần ở Hồng Kông một năm sau đó. “Sự kiện này là bước ngoặt lớn đối với tôi, bởi từ đó tôi đã bước ra ngoài thế giới” - ông tâm sự - “Tiếng Anh khi đó với tôi là một trở ngại lớn.
Tuần đầu tiên nghe thầy giảng như vịt nghe sấm, tuần thứ hai tôi mới bật ra được một chút và đến tuần thứ tư, tôi được cử là đại diện nhóm trình bày trước khóa học. Phát biểu xong, tôi như trút được gánh nặng, người lâng lâng. Tuy nói tiếng Anh không sõi nhưng lúc đó nếu không phát biểu, tôi sẽ đánh mất cơ hội góp tiếng nói trong hội thảo đó và không có lần thứ hai, thứ ba sau này. Nếu không dám bước qua ranh giới của sự tự ti thì không bao giờ vượt qua được chính mình”.
Ông kể thêm: “Nhiều bạn học bảo, ngày trước tôi hiền hiền, ăn mặc chỉn chu, đi rồi lại về lặng lẽ như một cái bóng; và họ không hiểu sao tôi lại thay đổi như thế, giống như hai con người khác nhau vậy”.
“Bái sư” với... sách, Internet và diễn đàn
TS Huy tâm sự, có 3 người thầy vô hình đã tác động mạnh mẽ tạo nên sự lột xác của ông, đó là sách, Internet và diễn đàn: “Tôi học được rất nhiều từ sách và phải trả học phí nhiều nhất cho ông thầy vô hình đầu tiên này. “Thầy” đã giúp tôi thay đổi nhân sinh quan để sống tích cực hơn. Tôi thường dành 4-5 tiếng mỗi cuối tuần ở các hiệu sách phố Đinh Lễ và chọn trong số sách được giảm giá 20-30% - chủ yếu là sách về khoa học, triết học và kỹ năng sống”.
Về người thầy vô hình thứ hai, TS Huy kể: “Từ xưa tôi đã có ham muốn đọc các bài báo khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế. Đọc bằng cách nào? Chỉ có cách duy nhất là qua Internet”. Ông luôn duy trì tài khoản truy cập các bài báo quốc tế với mức phí 500.000 đồng/năm.
“Mọi người bảo tôi có thể có tài khoản khi làm phản biện cho các tạp chí quốc tế, nhưng tôi nghĩ số tiền 500.000 đồng/năm không nhiều trong khi mình có thể truy cập được nguồn dữ liệu khoa học khổng lồ, tập hợp được những công bố mới nhất hoặc có thể viết bài tổng quan (review) cho các tạp chí lớn” - TS Huy chia sẻ.
GS-TS Phạm Ngọc Đính - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - đánh giá: “TS Huy tiếp cận với công nghệ thông tin rất sớm và đạt trình độ tốt. Huy giỏi tận dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Có lẽ một phần nhờ vậy mà ở tuổi gần 40, Huy đã có rất nhiều bài báo khoa học, nhiều bài đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus”.
Với người thầy vô hình thứ ba - “thầy” diễn đàn, TS Huy dí dỏm: “Với ông thầy này, tôi không phải trả học phí nhưng lại học được rất nhiều bởi khi tham gia các diễn đàn khoa học, mình được tương tác và học hỏi nhiều từ những người giỏi hơn mình”.
Bởi vậy, năm 2012, từ ý tưởng của GS Kim Thanh, TS Huy cùng các cộng sự đã xúc tiến thành lập Viện VYA - diễn đàn dành cho các nhà khoa học trẻ người Việt trên toàn thế giới. “Khi tham gia VYA, các nhà khoa học trẻ được giao lưu với cộng đồng khoa học không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu, sẽ có tầm nhìn để phát triển sự nghiệp khoa học. VYA cũng là nơi họ có thể tìm thông tin về các quỹ tài trợ, chương trình học bổng...” - TS Huy say sưa nói.
“Dream big - Hãy mơ giấc mơ lớn” là câu nói mà TS Huy nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện. Ông bày tỏ: “Tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ, các nhà khoa học trẻ hãy làm hết khả năng trong lĩnh vực của mình, trong ước mơ của mình và kết quả như thế nào hãy để tương lai quyết định”.
"Tôi hướng dẫn Huy làm đồ án cao học rồi luận án tiến sỹ trong 6 năm. Ấn tượng về Huy trong tôi là người làm khoa học nghiêm túc và chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, với một luận án tiến sỹ, không nhiều người có đến 3-4 bài công bố ISI như Huy. Nhiều bài báo của Huy được đăng trên cá tạp chí có chỉ số ảnh hưởng rất lớn" - PGS-TS Mai Anh Tuấn - Viện ITIMS. |
TS Trần Quang Huy sinh năm 1978 tại Ninh Bình. Ông là chuyên gia về lĩnh vực hiển vi, vi phân tích và nano y sinh. Cho đến nay, TS Huy đã có trên 50 bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI, nhiều công trình có chỉ số ảnh hưởng và trích dẫn cao (trong đó có công trình được trích dẫn hơn 250 lần sau 3 năm công bố). Ngoài hoạt động nghiên cứu, TS Huy còn tham gia thỉnh giảng và hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học tại một số trường đại học Việt Nam. |