Việt Nam là một trong năm quốc gia nhập khẩu táo lớn nhất thế giới, tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc táo nhập khẩu là một thách thức không nhỏ. Đặc biệt khi giá bán táo phụ thuộc vào chất lượng và nguồn gốc địa lý, dẫn đến tình trạng giả mạo nhãn hiệu xuất xứ để kiếm lời.

Để giải quyết vấn đề này, ThS. Hà Lan Anh và các cộng sự ở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền để xác định nguồn gốc táo nhập khẩu. Cụ thể, họ đã thu thập 391 mẫu táo được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, New Zealand và Trung Quốc - ba quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu táo nhiều nhất, sau đó phân tích các đồng vị C-13, H-2 và O-18 trong các mẫu táo. Ba loại đồng vị này sẽ phản ánh tỷ lệ đồng vị bền của nguồn nước trong đất, nước tưới tiêu và nước mưa nơi cây sinh trưởng. Kết quả cho thấy giá trị đồng vị H-2, O-18 và C-13 trong ba loại táo có sự khác biệt đáng kể. Chẳng hạn, tỉ lệ đồng vị H-2 và O-18 trong táo nhập khẩu từ Hoa Kỳ thấp hơn so với táo New Zealand và Trung Quốc, trong khi đồng vị C-13 trong táo Trung Quốc lại cao hơn so hai loại còn lại.

Theo nhóm nghiên cứu, phương pháp này đủ tin cậy để xác định nguồn gốc táo nhập khẩu. Họ đã công bố kết quả trong bài báo “Stable isotope signatures of deuterium, oxygen 18, and carbon 13 (δ2H, δ18O, δ13C) in imported apples available in the markets of Vietnam” trên tạp chí Food Chemistry: X.