Việc xác định dư lượng (lượng vết) các hóa chất độc hại còn tồn dư trong các sản phẩm từ nông nghiệp và thực phẩm là vô cùng khó khăn. Một số phương pháp có tính chính xác cao đã được đưa vào sử dụng nhưng thường đắt tiền, tốn nhiều thời gian, đồng thời đòi hỏi người sử dụng phải có chuyên môn cao và máy móc thiết bị phức tạp.
Trong khoảng chục năm trở lại đây, quang phổ Raman đang dần trở thành ứng viên sáng giá cho việc nhận biết các phân tử hữu cơ do cho ra kết quả nhanh, chi phí thấp và có khả năng bảo toàn mẫu thử. Tuy nhiên, hạn chế của quang phổ Raman vẫn là độ nhậy của phương pháp.
Trong nghiên cứu “Phát triển phương pháp nhận dạng nhanh một số độc tố bằng phổ Raman trong nông sản xuất khẩu của Việt Nam”, mã số: TĐNDTP.04/19-21, TS. Nguyễn Thành Dương và nhóm nghiên cứu tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đã bước đầu xây dựng dữ liệu phổ của 23 hợp chất trong đó có 10 hóa chất bảo vệ thực vật, 6 hợp chất kích thích tăng trưởng, 2 hợp chất ức chế sinh trưởng, 5 hợp chất nấm mốc bằng quang phổ Raman. Đây là những hợp chất tiêu biểu, làm tiền để để mở rộng cơ sở cơ sở dữ liệu cho việc phân tích các hợp chất khác trong nông sản xuất khẩu trong tương lai. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị phát triển mô hình quang phổ Raman cầm tay để triển khai ứng dụng rộng rãi phương pháp này trong thời gian tới.
Đề tài vừa được nghiệm thu với kết quả Xuất sắc.
Theo VAST