Trong Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, mục tiêu đề ra là có nền công nghiệp hiện đại, đưa Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.

Đề án cũng nêu rõ một trong những giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương là KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể, đó là xây dựng các chương trình, nhiệm vụ KH&CN gắn với mục tiêu phát triển ngành, nhu cầu đổi mới và nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp, phát triển chuỗi giá trị của sản phẩm và tạo giá trị gia tăng cao; ưu tiên triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm về nâng cao năng suất, chất lượng trong các ngành công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp nền tảng (cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu, công nghiệp hỗ trợ…), công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng…

Một giải pháp thuộc về KH&CN nữa là tiêu chuẩn hóa, cấp chứng nhận, đánh giá hợp chuẩn, hợp quy thống nhất trong nước và hài hòa hóa với thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận độc lập trong nước và được cộng đồng quốc tế công nhận; tái cơ cấu các tổ chức KH&CN công lập theo hướng tăng cường đầu tư có trọng điểm, có tiềm lực mạnh, giải quyết các vấn đề KH&CN quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới năng lực cạnh tranh và khả năng dẫn dắt đối với nền sản xuất trong nước.

Để thực hiện vấn đề này, Bộ KH&CN cần chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về KH&CN.