Trường học Mùa Đông về Phát triển bền vững được thiết kế với mục tiêu giúp cho người học hiểu về vai trò của thế hệ trẻ trong các hoạt động cộng đồng, đồng thời chuẩn bị cho họ sẵn sàng bước vào một cuộc sống rộng mở và gắn kết hơn thay vì co cụm và chỉ biết học. Nhưng những người tổ chức khóa học miễn phí này còn mong muốn nhiều hơn thế.

Trường học Mùa Đông về Phát triển bền vững có kế hoạch chuyển sang mùa hè và tổ chức nối tiếp Trường Hè Khoa học. Trong ảnh: Trường Hè Khoa học lần 2, tháng 8/2014 tại Hà Nội.
Trường học Mùa Đông về Phát triển bền vững có kế hoạch chuyển sang mùa hè và tổ chức nối tiếp Trường Hè Khoa học. Trong ảnh: Trường Hè Khoa học lần 2, tháng 8/2014 tại Hà Nội.

Những năm gần đây, các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của thế hệ trẻ. Nhiều dự án được khai sinh bởi các bạn trẻ nhằm giải quyết các vấn đề xung quanh mình. Tuy nhiên, do thiếu tầm nhìn dài hạn và mô hình bền vững, các dự án thường kết thúc trong thời gian ngắn. Trường học Mùa Đông về Phát triển bền vững muốn khắc phục hạn chế đó bằng cách trang bị cho người học lối tư duy dựa trên kết nối khoa học, kinh tế và xã hội như một điểm tựa cho những dự án cộng đồng sáng tạo và bền vững.

“Mong muốn của chúng tôi là sau khóa học, các bạn trẻ sẽ hiểu thế nào là một hoạt động cộng đồng bền vững, và làm sao để sử dụng tri thức, sức lực và lòng nhiệt tình của mình cho hiệu quả trong các hoạt động đó,” TS Nguyễn Thị Tú Mai, thành viên Ban tổ chức Trường học Mùa Đông, nói.

Chọn chủ đề Nâng cao khả năng giải quyết vấn đề xã hội qua phương thức giáo dục, khóa học sẽ trang bị cho các bạn trẻ hiểu biết về những nguyên tắc giáo dục cơ bản trong hoạt động cộng đồng. Ngoài ra, những kiến thức kinh tế như sự vận hành của nguồn tiền, dòng tiền trong các hoạt động cộng đồng cũng hết sức được coi trọng. Ban tổ chức hy vọng, với những kiến thức đó, người học có thể tự lên kế hoạch và hạch toán các hoạt động cộng đồng của mình chứ không nhất thiết phải có sự dẫn dắt của tổ chức nào.

Một tinh thần quan trọng khác của Trường học Mùa Đông là khuyến khích người học áp dụng kiến thức đã thu nhận vào các dự án cộng đồng ở khu vực họ sinh sống. Họ có thể gia nhập các tổ chức cộng đồng đã có sẵn hoặc tự lập nhóm bởi có rất nhiều hoạt động cộng đồng đang cần đến bàn tay của họ, từ phổ biến văn hóa đến đến tuyên truyền các vấn đề về sức khỏe, hay đơn giản là giúp đỡ một trường học, một gia đình hay một em bé hoàn cảnh...

Trường dự định sẽ giữ liên lạc với người học ít nhất 3 tháng sau khóa học. Những dự án có tiềm năng phát triển của người học sẽ được hỗ trợ huấn luyện kỹ năng và có thể là cả một vài chi phí phát sinh. Tuy nhiên, TS Tú Mai cho rằng, “Hoạt động cộng đồng phải đến từ ý thức, niềm khao khát của các cá nhân, bởi vậy chúng tôi trông đợi các bạn trẻ phát huy sự tự chủ hơn là dựa vào các nâng đỡ. Khi tự làm, các bạn sẽ học được cách tận dụng các nguồn lực một cách thông minh nhất.”

Trong khóa học diễn ra từ ngày 2 đến 5/1/2020 tại Quy Nhơn, Trường dự định tuyển 80 học viên tuổi từ 18 đến 25, là những người có mong muốn hoặc đang thực hiện dự án hướng đến sự phát triển bền vững.

Mặc dù mới thông báo tuyển sinh từ giữa tháng 11, đến nay, Trường đã nhận được hơn 500 hồ sơ đa dạng về ngành học và thể hiện kinh nghiệm/thành tích ấn tượng: sáng lập – đồng sáng lập các tổ chức cộng đồng trên toàn quốc; giảng viên trẻ các trường đại học; nghiên cứu sinh có các bài nghiên cứu/tham luận quốc tế, huy chương Olympic quốc tế,… “Nhiều bạn trẻ có các dự án hoạt động cộng đồng đang gặp vướng mắc cũng rất hào hứng xin được dự thính,” TS Tú Mai cho biết.

Sự hào hứng đó không phải là không có lý do, bởi nhận lời tình nguyện đứng lớp là những giảng viên, chuyên gia rất giỏi truyền cảm hứng như TS Nguyễn Ngọc Anh (Kinh tế Trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển DEPOCEN), ThS Lương Thế Huy (Viện trưởng Viện iSEE), TS Phùng Hà Thanh, KTS Sơn Đặng, TS Jenny Tuệ Anh, TS Đặng Hoàng Giang (tác giả của các cuốn sách “gây bão cộng đồng” như Bức xúc không làm ta vô can; Thiện, ác và Smart phone; Điểm đến của cuộc đời...)…

Mối quan hệ đặc biệt với Trường Hè khoa học

Tên gọi Trường học Mùa Đông dễ khiến chúng ta liên tưởng đến Trường Hè Khoa học, một sáng kiến giáo dục khác đã tổ chức được 7 khóa liên tục kể từ năm 2013. Trên thực tế, cách đặt tên này không hề tình cờ và đây là hai hoạt động vừa có nhiều nét tương đồng vừa quan hệ mật thiết với nhau.

Cả hai cùng được bảo trợ bởi Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE), nơi các khóa học diễn ra; và cùng có chung một số thành viên ban tổ chức cũng như giảng viên.

Giống như Trường Hè Khoa học, Trường học Mùa Đông đề cao việc gợi mở tư duy của người học hơn là truyền thụ kỹ năng. Cả hai cùng muốn dẫn dắt người học để họ tự trả lời câu hỏi điều họ thực sự muốn theo đuổi là gì. Cách tổ chức lớp học của cả hai đều hướng tới sự trẻ trung, vui vẻ so với lối học chính quy và dựa trên tinh thần chia sẻ, trao đổi cởi mở, bình đẳng giữa giảng viên và người học.

Ban tổ chức và các giảng viên, chuyên gia tham gia giảng dạy tại Trường Hè và Trường học Mùa Đông hoàn toàn không nhận thù lao, trong khi học viên được tài trợ chi phí ăn ở và một số trường hợp được tài trợ cả chi phí đi lại.

Nhưng quan trọng nhất, có thể vào mùa hè tới, hai khóa học này “sẽ bắt vào với nhau”. “Dù chưa ký kết gì, nhưng chúng tôi có chung hình dung về một chuỗi sự kiện sinh viên nghiên cứu khoa học và sinh viên hoạt động cộng đồng. Đây cũng chính là 2 mảng chúng tôi nghĩ mọi sinh viên đều cần được trang bị, vì sự phát triển toàn diện của họ,” theo TS Tú Mai. Việc tổ chức nối tiếp hai khóa học không chỉ là tăng thêm lựa chọn cho các bạn trẻ mà còn giúp họ tối đa hóa hiệu quả của mỗi chuyến đi.

Trường học Mùa Đông trước mắt là một bước xem xét xã hội tiếp nhận sáng kiến giáo dục này như thế nào để có thiết kế tốt nhất khi khóa học được chuyển sang mùa hè.

Ra đời từ ý tưởng của những cá nhân, Trường Hè Khoa học bắt đầu từ con số 0 với những đóng góp cá nhân của chính những người tổ chức. Đến nay, Trường Hè đã gây dựng được danh tiếng tốt, nhưng việc tổ chức vẫn dựa trên nỗ lực của các cá nhân là chính. “Để phát triển quy mô hơn, Trường Hè phải giảm bớt tính chất cá nhân, tăng tính hệ thống,” TS Tú Mai, người đồng thời là thành viên Ban tổ chức Trường Hè, nói. Và phát triển quy mô hơn, hấp dẫn hơn đối với người học hơn cũng có nghĩa là thuận lợi hơn cho ban tổ chức trong việc kêu gọi tài trợ - TS Tú Mai thành thật chia sẻ.

Đã có lúc những người tổ chức Trường Hè Khoa học không khỏi băn khoăn về tương lai của khóa học này khi phải đối mặt với nhiều thách thức nan giản, trong đó tài chính luôn là vấn đề đau đầu. Nhưng bằng việc bền bỉ duy trì hoạt động, và sắp tới được cộng hưởng sức mạnh với Trường Hè Phát triển bền vững, dường như lần đầu tiên sáng kiến giáo dục này đã nhìn thấy một tương lai khác.