Ngày 17/11, tại TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (Trung tâm) đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương lao động hạng III và kỷ niệm 20 năm khánh thành máy chiếu xạ SVST – Co60/B.
Trong gần 20 năm thành lập và phát triển (Trung tâm được chính thức thành lập năm 2000, tiền thân là Trung tâm Chiếu xạ tại TPHCM - thành lập năm 1996), các cán bộ của Trung tâm đã thực hiện có chất lượng cao nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, hướng đến ứng dụng vào thực tế. Một số kết quả nghiên cứu đã được đưa vào sản xuất và thương mại hóa như chất siêu hấp thụ nước; phân bón lá nano; vải kháng khuẩn; nano vàng dùng trong mỹ phẩm; chất trị bệnh cho cây trồng; chất kích thích hệ miễn dịch tự nhiên, tăng sức đề kháng cho tôm cá... Trung tâm cũng đã thực hiện thành công nhiều dự án hợp tác quốc tế như Cơ sở chiếu xạ khử trùng tại TPHCM; Máy gia tốc chùm tia điện tử phục vụ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ; Lắp đặt hệ đảo hàng và hệ điều khiển máy chiếu xạ nguồn Cobalt – 60…
Tính đến nay, Trung tâm đã xử lý được 48.062 m3 dụng cụ y tế và thuốc đông nam dược; 118.300 tấn thực phẩm khô và đông lạnh; 137 ngàn lít chế phẩm; vận hành an toàn gần 170 ngàn giờ các máy chiếu xạ;… Tổng doanh thu từ dịch vụ chiếu xạ là 373 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý, Trung tâm đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bức xạ vào ngành thực phẩm và y tế. Cụ thể, Trung tâm nghiên cứu, cải tiến quy trình chiếu xạ thực phẩm, giúp chất lượng hàng chiếu xạ được đảm bảo tốt, năng suất xử lý tăng, giảm thời gian chiếu xạ cực tiểu từ 3 giờ 15 phút xuống còn 2 giờ 45 phút. Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược chất phóng xạ cho việc chẩn đoán, điều trị ung thư, Trung tâm đã liên kết với Công ty Rạng Đông xây dựng máy Cyclotron PET trace 800 để nghiên cứu và phục vụ sản xuất dược chất phóng xạ nhằm tăng nguồn cung, giảm giá thành...
Những thành quả bước đầu của Trung tâm đã chứng minh tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ chiếu xạ. Từ đó, khích lệ các nhà đầu tư tư nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, công nghệ chiếu xạ đã được mở rộng. Hiện nay, khu vực phía Nam có 8 cơ sở chiếu xạ và đang tiếp tục tăng do nhu cầu xuất khẩu hàng hóa cao.
Về mặt quản lý khoa học, Trung tâm là một trong những đơn vị đã thực hiện tốt việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP. Sau khi thực hiện Nghị định 54/2016/NĐ-CP, Trung tâm sẽ là đơn vị tự chủ hoàn toàn trong cấu trúc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. “Sự thành công của Trung tâm chính là nhờ sự hăng say lao động, học tập, nghiên cứu, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân” – ông Cương chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Trung tâm đã đạt được. Đặc biệt hoạt động của Trung tâm cũng đã khẳng định được tính đúng đắn của mô hình tự chủ tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ – CP.
Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phát huy thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với mô mình đơn vị sự nghiệp KH&CN. Đồng thời phát triển, đầu tư chiều sâu, nâng cấp trang thiết bị để mở rộng mặt hàng chiếu xạ cũng như xử lý các vấn đề khác như trong lĩnh vực môi trường. Thứ trưởng cũng mong muốn Trung tâm hỗ trợ, giúp đỡ để Trung tâm chiếu xạ Đà Nẵng sớm đi vào hoạt động. “Thời gian tới, Trung tâm cần đánh giá, tổng kết báo cáo những hoạt động thành công và đấy mạnh công tác truyền thông để khẳng định sự đóng góp của ngành năng lượng nguyên tử đối với sự phát triển KT – XH”- Thứ trưởng nhấn mạnh.