Theo Sở Công Thương TPHCM, trong 10 tháng năm 2018, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2018 ước tăng 7,85%. Riêng ngành sản xuất hàng điện tử, chỉ số sản xuất 10 tháng tiếp tục tăng 17,29% so với cùng kỳ năm trước.


Theo Sở Công Thương, ngành hàng sản xuất hàng điện tử tiếp tục tăng trưởng ấn tượng là do thị trường tiêu thụ ổn định và được quan tâm đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao về sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử... Kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 10 tháng năm 2018 ước đạt 7,94 tỷ USD, tăng 17,6% so cùng kỳ, chiếm 30,78% trong kim ngạch xuất khẩu không kể giá trị dầu thô.

Một số doanh nghiệp (DN) trong ngành đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối.

Mặc dù các DN CNHT nói chung và ngành điện tử nói riêng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hà, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, năng lực và khả năng cung ứng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn hạn chế. Điển hình đối với CNHT ngành điện tử, năm 2017, Việt Nam xếp thứ 12 thế giới và thứ 3 ASEAN về xuất khẩu điện tử với kim ngạch đạt khoảng 75 tỷ USD. Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu điện tử đến từ khu vực FDI. Các nhà cung ứng cấp 1 cho ngành cũng chủ yếu là doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước phần lớn tham gia vào cấp 2 hoặc 3 với số lượng không nhiều, có giá trị thấp.

Hỗ trợ DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng

Thực tế cho thấy, trong số khoảng 200 nhà cung ứng cho Samsung, hiện nay mới có 35 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1, còn lại phần lớn là doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là cung cấp bao bì và chi tiết đơn giản. Tương tự, trong số khoảng 40 nhà cung ứng cho Panasonic Việt Nam, mới có 3 doanh nghiệp thuần Việt và giá trị đơn hàng cung ứng chiếm chưa đến 10% tổng giá trị linh kiện đầu vào.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM cho biết, để hỗ trợ các DN CNHT của thành phố tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI, từ đó mang lại giá trị cao hơn, thời gian qua, TPHCM đã tích cực hỗ trợ các DN CNHT thông qua Chương trình kích cầu đầu tư nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tổ chức kết nối DN - ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp - CNHT.

Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển CNHT thành phố cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan như Ban Quản lý các Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp (Hepza), Ban quản lý Khu Công nghệ cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI)... tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn thông qua 5 chương trình: Đào tạo doanh nghiệp phát triển bền vững (SCORE); Đào tạo doanh nghiệp phát triển toàn diện theo chương trình đào tạo của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam của Samsung; Chương trình đào tạo tư vấn viên về năng suất và chất lượng cho các doanh nghiệp Việt; Thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) đầu tiên tại Việt Nam do Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương phối hợp Tổ chức Tài chính quốc tế/Nhóm Ngân hàng Thế giới (IFC/WB) tổ chức...

Ông Châu Bá Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CNHT Minh Nguyên cho biết, thời gian qua, nhờ tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ như: Đào tạo doanh nghiệp phát triển bền vững (SCORE); Chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam của Samsung mà Minh Nguyên đã từng bước đã nâng cao được năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Hiện Minh Nguyên đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Cũng nhờ là đối tác của Samsung mà chỉ trong vòng gần 2 năm, từ 2016 đến nay, doanh thu của Minh Nguyên tăng 12 lần./.