Trong tháng 10/2017, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tiến hành đợt xuất khẩu đồng vị phóng xạ đầu tiên sang Campuchia (máy phát Tc-99m, I-131); cung cấp dịch vụ về định liều bức xạ chiếu ngoài cho nhân viên bức xạ góp phần bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã thông tin như vậy tại lễ tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) tổ chức chiều 21/12. Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, đây là những tín hiệu đáng mừng trong ứng dụng năng lượng nguyên tử của Việt Nam.

Báo cáo tại lễ tổng kết, TS Trần Ngọc Toàn – Phó Viện trưởng Viện NLNTVN cho biết, năm 2017 là năm Viện NLNTVN tập trung hướng đến chủ đề “Khoa học đi cùng với doanh nghiệp”. Theo đó các đơn vị trong toàn Viện đã tích cực hưởng ứng và thực hiện chủ đề và đã đạt một số thành tích đáng kể.

Cụ thể, Viện Nghiên cứu Hạt nhân đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận VIMCERTS 204 đủ điều kiện hoạt động 12 dịch vụ quan trắc môi trường với 20 thông số quan trắc hiện trường và 150 thông số phân tích môi trường tại phòng thí nghiệm bao gồm cả chỉ tiêu phóng xạ và không phóng xạ trên các đối tượng mẫu môi trường như nước mặt, nước dưới đất, nước thải, không khí xung quanh và môi trường lao động, đất, trầm tích và thực vật theo quy định tại Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng năm 2014 của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại sự kiện.

Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ (VINAGAMMA) đã vận hành và khai thác an toàn máy chiếu xạ chùm tia điện tử và máy chiếu xạ nguồn Co-60 theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, phục vụ cho các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ bức xạ. Năm 2017, Trung tâm đã thay đổi, bổ sung các quy trình, quy định trong vận hành thiết bị, quy định về xử lý và bảo quản hàng hóa của khách hàng. Doanh số năm 2017 của Trung tâm đã tăng lên 46 tỷ (so với 37 tỷ năm 2016).

Trung tâm Chiếu xạ Hạt nhân đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong việc chiếu xạ xuất khẩu vải và nhãn sang Australia, góp phần mở rộng đầu ra cho sản phẩm, tránh được việc mất giá khi xuất sang Trung Quốc. Năm 2017, Trung tâm đã hoàn thành đo và lập bản đồ phân bố liều trong sản phẩm chiếu xạ, xây dựng và hoàn thiện các quy trình vận hành chiếu xạ chuẩn cho các sản phẩm mới như xoài Sơn La ..., được Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia cấp phép chiếu xạ kiểm dịch xuất khẩu sang nước này.

"Trong hoạt động nghiên cứu, Viện đã có nhiều công bố trên các tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế, số công trình đăng tải trên các tạp chí quốc tế năm 2017 là 45 công trình (trong đó có 36 công trình đăng trên các tạp chí ISI, tăng 70% so với năm 2016). Các nghiên cứu định hướng ứng dụng đã tập trung nghiên cứu giải quyết các bài toán đặt ra trong cuộc sống của các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, công nghiệp và môi trường. Tuy nhiên vẫn chưa có các công trình nghiên cứu được đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc giải pháp hữu ích" - TS Toàn cho biết.


Đánh giá cao những kết quả mà Viện đã đạt được trong năm qua, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng lưu ý trong nhiệm vụ thời gian tới của Viện cần chú trọng phát triển công nghệ năng lượng nguyên tử. Theo Thứ trưởng, thời gian tới yêu cầu về công nghệ liên quan đến công nghệ năng lượng nguyên tử chắc chắn sẽ thay đổi. Điều đó có thể nhìn từ con số thống kê số lượng nguồn phóng xạ đã tăng đột biến trong các năm gần đây.

Cho rằng chính sách quản lý của Viện vẫn còn nhiều điểm cần được cải tiến hơn, Thứ trưởng Phạm Công Tạc bày tỏ mong muốn Viện NLNTVN cần cố gắng hơn nữa, tập hợp các nhà khoa học gạo cội, đứng đầu hướng dẫn những cán bộ trẻ đảm nhiệm các nhiệm vụ khoa học của ngành.

Được biết, năm 2018 là năm Viện NLNTVN chọn chủ đề hướng tới là “Phát triển bền vững dựa vào khoa học và công nghệ” (Sustainable Development Based on Science and Technology). Đây là một định hướng quan trọng có tính chiến lược, nhằm khuyến khích thúc đẩy các đơn vị trực thuộc và toàn Viện phát triển đi lên bền vững, lấy khoa học và công nghệ làm nền tảng cho phát triển bền vững.