Các nghiên cứu từ Chương trình KH&CN Ứng phó với Biến đổi khí hậu, Quản lý Tài nguyên và Môi trường đã tập trung vào các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường, nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng...

Hội nghị tổng kết kết quả triển khai thực hiện Chương trình KH&CN Ứng phó với Biến đổi khí hậu, Quản lý Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016 - 2020.

Tại hội nghị tổng kết chương trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân - Chủ nhiệm Chương trình cho biết, trong 5 năm qua, chương trình đã triển khai thực hiện 43 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, tập trung vào các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường, nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng...

Cụ thể, 20 đề tài nghiên cứu thuộc mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đã xây dựng và phát triển được hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; giải quyết các vấn đề liên quan đến xâm nhập mặn như các loại đất, cây trồng rừng; đưa ra các giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng ngành, lĩnh vực và các giải pháp công nghệ về giống, cây trồng, công nghệ canh tác trong điều chỉnh kỹ thuật mùa vụ; xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với các hiện tượng thiên tai cực đoan và các mô hình kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn.

Nổi bật trong số đó, đề tài"Nghiên cứu lượng giá thiệt hại kinh tế do các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan gây ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro cho các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam" của nhóm GS.TS Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế Quốc dân) đã sử dụng những mô hình đánh giá hiện đại trên thế giới, qua đó có thể giúp nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai, hệ thống hóa và ứng dụng mô hình lượng giá thiệt hại kinh tế tại Việt Nam.

Đề tài "Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính quốc gia cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ yếu phục vụ kiểm kê khí nhà kính và xây dựng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp" của nhóm PGS.TS Mai Văn Trịnh đã xây dựng được một bộ hệ số phát thải và một bộ cơ sở dữ liệu về quản lý cây trồng và phát thải khí nhà kính cho lúa và cây trồng cạn, qua đó góp phần nâng cao tính chính xác trong kiểm kê khí nhà kính quốc gia cho lĩnh vực nông nghiệp.

Đối với mục tiêu quản lý tài nguyên và môi trường, 16 đề tài nghiên cứu đã đưa ra các phương pháp luận trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý biến động tài nguyên và giám sát biến động sử dụng đất, đã xây dựng được các bản đồ quản lý tài nguyên đất; đánh giá tổng quan an ninh nguồn nước; lượng giá và quy trình kết chuyển các giá trị tài nguyên vào môi trường hoạch toán tài khoản quốc gia; đánh giá hoạt động tân kiến tạo đối với sự biến đổi dòng chính các lưu vực sông và xây dựng được các bản đồ có liên quan.

Báo cáo tại hội nghị cũng cho biết, các kết quả nghiên cứu của các đề tài hiện đã hoàn thành được các mục tiêu và nội dung của chương trình. Đến nay, đã có 30 đề tài được tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia và 9 đề tài được đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở, trong đó có 4 đề tài được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia đánh giá xếp loại xuất sắc.

Những kết quả nghiên cứu này đã được chương trình chuyển giao cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã công bố được 233 bài báo với 77 bài báo quốc tế có chỉ số ISI hoặc Scopus và 156 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước; xuất bản được 12 sách chuyên khảo,...

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các kết quả của chương trình cũng như khả năng áp dụng các kết quả này vào công tác hoạch định chính sách của các nhà quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng sâu hơn và rộng hơn để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nhanh, "vấn đề không phải là đi tìm nguyên nhân nữa mà là chuyển sang một trạng thái mới" dựa trên nền tảng cơ cấu, mô hình kinh tế mới, ví dụ như kinh tế tuần hoàn. "Điều chúng ta cần là phải chuyển đổi chính sách, cơ chế; đi vào giải pháp khoa học công nghệ; nghiên cứu mối quan hệ giữa kinh tế với tài nguyên và môi trường và phải lượng giá được nó để biết có đánh đổi hay không đánh đổi", ông nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nghiên cứu về biển: "Một bài toán lớn hiện nay là chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững. Tôi cho rằng lĩnh vực này hiện nay vẫn là một "khu rừng" chúng ta hoàn toàn chưa động đến. Chúng ta chưa đưa ra được những hiểu biết về biển để tận dụng được các nguồn lực của biển cũng như giảm thiểu các thiệt hại từ nước biển dâng; chưa biết biển có ý nghĩa như thế nào đối với các cơn bão lớn, các hiện tượng thời tiết như El Nino, La Nina...". Bởi vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các nhà khoa học cần tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, đồng thời tăng cường thêm các trao đổi và hợp tác quốc tế để có những giải pháp mới.