Giai đoạn 2013 – 2020, TPHCM đã chi gần 170 tỷ đồng để thực hiện 141 nhiệm vụ KH&CN và 23 nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2020 của UBND TPHCM, đã có nhiều kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao, được đưa vào thực tiễn. Điển hình như chế phẩm sinh học phòng bệnh thối rễ, lở cổ rễ do nấm gây ra trên rau; sản xuất thử nghiệm chế phẩm vi sinh vật cố định đạm và phân giải lân phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; tạo chế phẩm sinh học từ nấm xanh và nấm trắng phòng bệnh sâu ăn tạp và bọ nhảy trên rau.
Nhờ nghiên cứu và áp dụng tiến bộ KH&CN, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn hình thành ở TPHCM như HTX Phước An, Ba Dòng... Nhiều mô hình trồng rau sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh, sinh học, cơ giới hóa trong sản xuất được nhân rộng trong trồng dưa lê, dưa lưới, cà chua ở Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Hai giống dưa lê Kim Anh và Alien trong nhà màng có năng suất cao 1,5 đến 2 lần so với dưa lê trồng đại trà ngoài đồng ruộng.
Ngoài ra, Chiến lược còn triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khác như chuyển gene tạo giống lan kháng virus khảm vàng, xử lý chiếu xạ gây đột biến trên giống lan rừng,… Hay nghiên cứu ứng dụng thành công hệ thống ngập chìm tạm thời trong nhân giống cấy mô thực vật, cho phép rút ngắn thời gian nhân giống, tăng tỷ lệ sống của cây. Kết quả đã được chuyển giao cho ba tỉnh Bình Định, Bình Thuận và Đồng Tháp.
Trong chăn nuôi, nghiên cứu chọn lọc nâng cao tỷ lệ mỡ giắt bằng phương pháp đánh giá di truyền, kết hợp phân tích kiểu gene ở đàn lợn giống, cho kết quả tỷ lệ mỡ giắt đạt 3,24% ở đàn đực thiến và 3,06% ở đàn cái. Ngoài ra, nghiên cứu chế phẩm có nguồn gốc thảo dược như xuyên tâm liên, chùm ngây, diệp hạ châu,… nhằm hạn chế, thay thế việc sử dụng kháng sinh được ứng dụng tại HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi).
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có các nghiên cứu cải thiện khả năng tăng trưởng, miễn dịch cho tôm thẻ chân trắng bằng cách sử dụng khô đậu nành lên men và bổ sung chế phẩm Lactobacillus Plantarum. Thức ăn này giúp tôm đạt được các chỉ tiêu về kháng dinh dưỡng, kháng protein, tăng hàm lượng protein 14%, acid amin 18%, tương đương với các sản phẩm khô đậu đậu nành nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan. Giá thành khô đậu nành khoảng 15.800 - 16.800 đồng/kg, thấp hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với sản phẩm nhập khẩu trên thị trường.
Ngoài ra, đề tài nghiên cứu sản xuất thành công thức ăn công nghiệp kích thích cua lột xác có giá thành thấp hơn so với thức ăn truyền thống, hiệu suất lột vỏ trên 87%, cua lột vỏ đồng loạt sau 20 ngày nuôi, giúp người dân chủ động được khâu thu hoạch, được ứng dụng tại Cần Giờ.
Còn nhiều đề tài khác được ứng dụng thực tế có giá trị kinh tế cao như chế tạo thành công máy sấy cá dứa, xe phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa,…; ứng dụng công nghệ tuần hoàn để nuôi cá chình bông; chọn tạo các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao như ớt, cay, khổ qua, đậu nành,…
Theo đánh giá của UBND TPHCM, các chính sách về KH&CN đã giúp người dân tiếp tục chuyển dịch trồng lúa một vụ hiệu quả thấp sang cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của thành phố phát triển nông nghiệp đô thị như hoa lan, cây kiểng, rau an toàn, bò sữa, cá cảnh... Qua đó, người dân phát huy được vai trò làm chủ trong sản xuất, tham gia chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới,…
UBND đề xuất trong thời gian tới, cần tăng ngân sách đầu tư cho KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời tăng cường mối liên kết trong hoạt động KH&CN giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.