Với các tiện ích giáo dục được cập nhật như sách giáo khoa điện tử, học liệu khoa học 3D, bài giảng mẫu,... Trung tâm điều hành giáo dục thông minh cho phép học sinh chủ động học tập theo nhu cầu của bản thân, ở trường hay ở nhà; còn các thầy cô có điều kiện trao đổi kinh nghiệm và kiến thức mới.
Ngày 11/2, TPHCM chính thức ra mắt và đưa vào hoạt động thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh (Trung tâm) tại trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trung tâm ra đời nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; đổi mới phương thức dạy – học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đồng thời, mang lại tiện ích tốt nhất cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhà quản lý.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế, đơn vị phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM xây dựng Trung tâm cho biết, Trung tâm gồm một số hợp phần như: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo bằng công cụ thông minh, trực tuyến; Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các công cụ thông minh; Quản lý và tổ chức các cuộc họp thông minh; Quản lý lịch làm việc; tích hợp và triển khai hệ thống quản lý văn bản thông minh; Hệ thống giám sát qua camera trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Cập nhật các thông tin mới nhất về ngành;…
Trong đó, nội dung được nhiều người mong chờ là hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò; tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập. Khi các tiện ích giáo dục được cập nhật như sách giáo khoa điện tử, học liệu khoa học 3D, bài giảng mẫu,... học sinh có thể chủ động học tập theo nhu cầu của bản thân, ở trường hay ở nhà, tiếp cận với được nhiều môn học, chương trình chứ không chỉ bó buộc trong chương trình sách giáo khoa của nhà trường. Các thầy cô giáo có điều kiện tìm hiểu thêm kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm trên diễn đàn. Một giáo viên giảng bài hay thì các giáo viên khác có thể dự giờ bằng cách ngồi ở nhà xem qua hệ thống chứ không nhất thiết phải dự giờ tại lớp học.
Ngoài ra, Trung tâm còn cho phép kết nối và trao đổi với các chuyên gia giáo dục quốc tế để trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển giáo dục với TPHCM.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Trung tâm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, hiện nay số lượng giáo viên của Thành phố không theo kịp số lượng học sinh, sinh viên. "Để đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục cần thực hiện các giải pháp hiện đại hóa quản lý và đổi mới công nghệ giáo dục" – Bí thư Thành ủy TPHCM nói.
Ông nhấn mạnh, Trung tâm điều hành giáo dục thông minh ra đời giúp người học học được mọi lúc mọi nơi, dễ dàng, hiệu quả; có sự tham gia của gia đình; đồng thời, đội ngũ giáo viên có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao chuyên môn, trình độ; quản lý hệ thống ngành được thông minh hơn.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, mô hình thí điểm Trung tâm là bước đầu tiên quan trọng để ngành giáo dục và đào tạo của Thành phố cùng phối hợp, triển khai thành công các đề án, chương trình giáo dục thông minh, trong đó có đề án xây dựng mô hình Trường học thông minh dự kiến được thí điểm tại Quận 1, Quận 12 và tại 5 trường THPT gồm chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du.